Quốc tế 22/09/2020 15:05

Vật lộn với đại dịch, người từng giàu nhất nước Mỹ phải bán hết tài sản

Từ tác phẩm nghệ thuật trị giá hàng triệu USD cho đến du thuyền, tỷ phú Mỹ Ronald O. Perelman đang lần lượt chia tay với từng món đồ yêu thích khi “cơn bão” Covid-19 quét qua đế chế của ông.

Từng là người đàn ông giàu nhất nước Mỹ, trong hai năm qua, tài sản của ông đã giảm mạnh từ mức 19 tỷ USD xuống còn 4,2 tỷ USD, theo số liệu của Bloomberg.

Chiếc chuyên cơ Gulfstream 650 của ông đang bị rao bán. Chiếc du thuyền dài 257 foot cũng vậy. Những bức tranh nghệ thuật đang được di chuyển ra khỏi ngôi nhà của ông ở Upper East Side, sau khi ông ký thỏa thuận với Sotheby để bán đi bộ sưu tập trị giá hàng trăm triệu USD của mình.

Ông cũng đã bán đi số cổ phần tại nhà AM General, bán một công ty hương liệu mà ông đã sở hữu trong nhiều thập kỷ qua. Thậm chí, ông còn thuê các ngân hàng tìm người mua các cổ phiếu mà ông đang nắm giữ ở các công ty khác.

Chuyện gì đã xảy ra với ông Ron Perelman? Một tỷ phú rất nổi tiếng về những chiến tích trong và ngoài phố Wall những năm 1980. Nhưng giờ đây, ở độ tuổi 77, ông Peralman lại đang đối mặt với hàng loạt thách thức tài chính, hầu hết là tại Revlon Inc., đế chế mỹ phẩm khổng lồ của ông. 

Từng là người đàn ông giàu nhất nước Mỹ, trong hai năm qua, tài sản của ông đã giảm mạnh từ mức 19 tỷ USD xuống còn 4,2 tỷ USD, theo số liệu của Bloomberg.

Giới ngân hàng, mạng xã hội và những nhà sưu tập đang xôn xao về ông Perelman kể từ hồi tháng 7 công ty đầu tư của ông - MacAndrews & Forbes – cho biết sẽ cơ cấu lại tài sản nắm giữ để đối phó với đại dịch.   

“Tôi rất công khai về ý định giảm nợ, hợp lý hoá hoạt động, bán một số tài sản và chuyển những tài sản đó sang tiền mặt để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Đó chính xác là những gì chúng tôi đang làm”, ông Perelman cho biết.

Ngoài ra, ông cũng nêu ra những lý do vụn vặt như muốn dành thời gian cho gia đình và muốn một cuộc sống đơn giản hơn.

“Tôi nhận ra rằng, lâu nay tôi đã theo đuổi quá nhiều thứ mà không hề sử dụng hay thậm chí không muốn”, ông nói và cho biết: “Tôi cho rằng, đã đến lúc tôi phải dọn dẹp nhà cửa, đơn giản hoá cuộc sống và cho người khác cơ hội được thưởng thức một số thứ đẹp đẽ mà tôi đã cất giữ trong nhiều thập kỷ qua”.

Tuy vậy, vẫn có người nghi ngờ rằng, ông bán những tác phẩm của mình là vì cần tiền mặt.

Theo những người thạo tin, những tác phẩm nghệ thuật mà ông Perelman bán đi gồm có bức "0 through 9" của Jasper Johns được định giá vào khoảng 70 triệu USD, bức "Hai ngọn nền" của Gerhard Richter được định giá hơn 50 triệu USD và bức "Leaving Paphos Ringed with Waves” của Cy Twombly có giá trị vào khoảng 20 triệu USD.

Nhưng một số nguồn tin thân cận cho biết, một phần số tiền thu được sẽ dùng để trả nợ cho Citigroup. Ngoài ra, hồ sơ cho thấy, ông Perelman cũng có các khoản vay từ JPMorgan Chase, Bank of America và UBS Group AG liên quan đến tác phẩm nghệ thuật của ông.

Tuy nhiên, người phát ngôn của ông Perelman nói, đây không phải là bị ép bán. Bà cũng từ chối thông tin với New York Post về bất động sản rộng 57 mẫu ở East Hampton của ông mang tên “The Creeks” đang được rao bán.

Trong những năm 1980-1990, ông nổi tiếng với một số thương vụ đầy tham vọng cũng như những vụ kiện, ly hôn,… nhưng bây giờ, ông đang có quá nhiều nợ, đặc biệt là trong đại dịch. 

Lấy ví dụ từ Revlon – đế chế mỹ phẩm của ông. Mức vốn hoá hiện tại 365 triệu USD của Revlon là quá thấp so với mức 1,74 triệu USD mà ông đã phải trả khi thâu tóm công ty này vào năm 1985. Perelman sở hữu 87% cổ phần ở Revlon và kiểm soát toàn bộ công ty. Điều hành công ty được giao cho con gái ông – bà Debra Perelman.

Trong nhiều thập kỷ qua, ông phải gánh một núi nợ buộc ông phải liên tục bơm tiền vào đây. Trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, ông nói rằng “tôi yêu công việc kinh doanh”, dù nó tốt hay xấu.

Là một tập đoàn mỹ phẩm, những 20 năm qua, Revlon lại rất chậm chạp trong việc đáp ứng các xu hướng đang thay đổi và gần đây còn để mất doanh thu vào các đối thủ nhỏ hơn. Revlon hiện đang nợ 3 tỷ USD và đang đối mặt với tình trạng cạn tiền mặt vào tháng 11.

Vấn đề của ông không chỉ nằm ở các thỏi son. Perelman còn sử dụng cổ phần ở Revlon để làm tài sản thế chấp cho khoản nợ của MacAndrews & Forbes. Sau khi cổ phiếu Revlon giảm 68% kể từ đầu năm đến nay, các chủ sở hữu trái phiếu do MacAndrews & Forbes phát hành sẽ phải đòi thêm tài sản đảm bảo hoặc đòi ông Perelman trả nợ.

Cổ phiếu của các công ty khác trong danh mục như Scientific Games và Vericast cũng ở trong tình cảnh tương tự. Ít nhất 9 ngân hàng đang yêu cầu tịch thu tài sản của ông, bao gồm bộ sưu tập nghệ thuật, ngôi nhà ở Hamptons và nhiều máy bay khác.

Ông Perelman cũng đang lên kế hoạch bán một số cổ phần tại các công ty mà ông đang nắm giữ.

Nhật Linh

Theo Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *