Góc nhìn 10/07/2023 09:31

Cần khẩn trương tiếp sức cho doanh nghiệp

Ngay cả với mức GDP cả năm 2023 đạt 5% thì 6 tháng cuối năm GDP phải tăng 6,16% - một mức rất khó đạt được nếu không thực thi kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kinh tế.

Kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đi được một nửa chặng đường với những thăng trầm đậm nét. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng chỉ đạt 3,72%, mức tăng thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng 6 tháng đầu năm của giai đoạn 2016-2023.

Doanh nghiệp - thực thể kinh tế chủ yếu, quan trọng nhất quyết định tăng trưởng của nền kinh tế đang trong tình cảnh kinh doanh đầy khắc nghiệt. Đơn hàng sụt giảm do tổng cầu thế giới và trong nước suy yếu; xu hướng ngày càng gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Sau 2 năm sản xuất cầm chừng, sức mua tiêu dùng sụt giảm làm cho nguồn vốn của doanh nghiệp cạn kiệt, vốn vay ngân hàng đến kỳ phải trả và trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn. Bên cạnh đó việc hoàn thuế và dòng tiền về chậm khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, sản xuất cầm chừng.

Vừa qua, tình trạng thiếu điện do đợt nắng nóng và ngành Điện không chủ động, chuẩn bị cung ứng đủ điện đã gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, kìm hãm tăng trưởng.

Bên cạnh những khó khăn, thách thức trên góc độ kinh tế, các doanh nghiệp phải xử lý những bất cập trong nội tại của nền kinh tế, đó là thể chế, chính sách còn mâu thuẫn, xu thế cải cách chững lại khiến môi trường kinh doanh xấu đi, điều kiện kinh doanh đang có rào cản khó vượt hơn trước.

Sự chậm trễ, kém hiệu quả trong thực thi các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp do một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn.

Trong 6 tháng đầu năm, cứ 11 doanh nghiệp gia nhập thì có 10 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đặc biệt, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại.

Bên cạnh nét trầm vừa đề cập ở trên, nền kinh tế có những điểm sáng đáng tự hào, đó là khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp vẫn phát triển như thể không hề có khó khăn. Xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 6,1%. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, hàng rau quả đạt kim ngạch trên 2,7 tỷ USD, tăng 64,2%; xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7%.

Vốn đầu tư thực hiện nhằm nâng cao năng lực của nền kinh tế trong 6 tháng tăng 4,7%; trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 10 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước là điểm sáng trong thúc đẩy tổng cầu đầu tư nền kinh tế.

Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế nước ta vẫn giữ được ổn định vĩ mô; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; giảm lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi, tạo cơ sở cho phục hồi và phát triển trong 6 tháng cuối năm.

Thử hình dung về bức tranh tăng trưởng kinh tế năm 2023

Tứ mã kéo cỗ xe tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 có sức kéo không đồng đều. "Ngựa Đổi mới", đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế đang chững lại. "Ngựa Tiêu dùng" của thị trường 100 triệu dân tiến về phía trước với bước đi chậm và ngắn; trong 6 tháng đầu năm tổng cầu tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 2,68%. "Ngựa Xuất khẩu" đang tụt lại phía sau với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 12,1%.

Trong tứ mã, chỉ "Ngựa Đầu tư", đặc biệt đầu tư công vẫn giữ được phong độ và đang phi nước đại để kéo cỗ xe kinh tế Việt Nam đi nhanh hơn.

Triển vọng kinh tế năm 2023 của nước ta có một số yếu tố bất định, với rủi ro khó tháo gỡ trong một sớm, một chiều, đó là: Tổng cầu của các nền kinh tế là đối tác thương mại chính của Việt Nam còn yếu; Thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tác động bất lợi đến hoạt động kinh tế; Khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn, hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đầy khắc nghiệt; Đầu tư của khu vực tư nhân và khu vực FDI tăng chậm lại

Trong bối cảnh đó, để GDP cả năm đạt 6,5% hoặc 6% thì tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt 8,9% hoặc 8% - đây là 2 mức tăng rất khó đạt được nếu không muốn nói là không thể.

Theo tính toán của chúng tôi, ngay cả với mức GDP cả năm 2023 đạt 5% thì 6 tháng cuối năm GDP phải tăng 6,16% - một mức rất khó đạt được nếu không thực thi kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kinh tế.

Chính phủ với quan điểm luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Từ đầu năm đến nay nhiều chính sách, giải pháp đã được khẩn trương ban hành nhằm khắc phục các điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế, tạo hiệu ứng tích cực và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

Để đem lại hiệu quả của các nghị quyết, chính sách và giải pháp, khắc phục tình trạng chậm và kém trong triển khai thực hiện, theo tôi, cần sớm có giải pháp xóa bỏ nỗi sợ trách nhiệm đang lan tràn hiện nay trong bộ máy công quyền; sớm ban hành và thực thi văn bản bảo vệ, động viên, khích lệ người có tinh thần trách nhiệm, dám xả thân, hiến dâng trí tuệ, sức lực cho công việc.

Nhìn nhận các khó khăn của doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay, thiết nghĩ Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo một số nội dung cụ thể sau:

Khơi thông nguồn vốn tạo thanh khoản cho doanh nghiệp; khẩn trương hoàn thuế cho doanh nghiệp, cụ thể như cho phép được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi xuất khẩu đơn hàng; nghiên cứu, giảm có thời hạn mức thuế thu nhập doanh nghiệp với các đơn vị xuất khẩu; đồng thời nghiên cứu sớm hoàn thuế VAT.

Những giải pháp này nếu được thực hiện sẽ giải phóng lượng vốn bị đọng cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Chính phủ cần có chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực; xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định thương hiệu để có gói tín dụng ưu đãi.

Các bộ ngành, địa phương cũng cần nỗ lực thực thi những giải pháp nhằm giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Tài chính nghiên cứu duy trì chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm các loại phí, lệ phí; cần có các giải pháp hỗ trợ liên quan đến chính sách về các khoản đóng góp bắt buộc của doanh nghiệp đối với người lao động.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó khăn cho doanh nghiệp; không ban hành thêm văn bản mới gây gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Chính phủ cần cam kết đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đủ nguồn điện và xăng dầu trong mọi tình huống.

Lúc này, đẩy mạnh liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp vừa là giải pháp ứng phó bất ổn, vừa là công cụ để cạnh tranh chiến lược, nâng cao năng lực và khả năng thích ứng trước các biến động, bất ổn khó lường của kinh tế thế giới. Thực hiện liên kết, chia sẻ nguồn cung nguyên vật liệu; đơn hàng, thị trường; đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất.

Doanh nghiệp tạo ra trên 60% GDP của đất nước, là chủ thể quan trọng nhất trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao mức sống dân cư. Vì vậy, kết quả hoạt động của doanh nghiệp sẽ quyết định mức độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Tác giả: TS. Nguyễn Bích Lâm nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Hiện tại, ông thường xuyên có những ý kiến đóng góp cho công tác điều hành trên góc độ một chuyên gia về lĩnh vực thống kê.
Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *