Góc nhìn 10/09/2021 08:06

Không khăng khăng giữ mục tiêu tăng trưởng

Duy trì tăng trưởng hiện nay cần hai vấn đề duy trì sinh sống và sinh kế của người dân, đảm bảo đủ những cái thiết yếu nhất cho nhân dân như lương thực, thực phẩm, thuốc men.

Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế cao cấp

Hiện đa số các định chế tài chính thế giới như IMF, WB hoặc các quỹ đầu tư đều hạ dự báo tăng trưởng của khu vực ASEAN khi chứng kiến Indonesia, Thái Lan, Malaysia chịu tàn phá ghê gớm bởi dịch bệnh và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Chúng ta đang chứng kiến nhiều trung tâm kinh tế vừa gồng mình chống dịch vừa duy trì sản xuất, trong khi tỷ lệ tiêm chủng của chúng ta chưa cao. Có lẽ việc đánh giá tăng trưởng của Việt Nam sẽ phức tạp hơn so với hình dung của họ và cả chính giới Việt Nam. Đây là vấn đề chúng ta phải xem xét bởi không thể khăng khăng giữ mục tiêu tăng trưởng, cần linh hoạt trước thách thức mới.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2021 được đưa ra từ năm 2020 khi dịch bệnh đã được khống chế cơ bản. Năm 2021 chủng virus mới Delta hết sức nguy hiểm, đang gây khó khăn không chỉ Việt Nam mà cả thế giới.

Theo tôi, mục tiêu tăng trưởng hiện nay nên nhìn trong mối quan hệ tổng hòa. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá tăng trưởng theo cách của họ, nhưng chúng ta cần nhìn vào thực tế để có nhận định đúng nhất. Không ai hiểu chúng ta nhất bằng chính chúng ta.

Duy trì tăng trưởng hiện nay cần hai vấn đề duy trì sinh sống và sinh kế của người dân, đảm bảo đủ những cái thiết yếu nhất cho nhân dân như lương thực, thực phẩm, thuốc men.

Tôi giả sử, Chính phủ năm nay không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% thậm chí 6% hoặc bao nhiêu % đi nữa nhưng chúng ta chặn được dịch, tiêm chủng rộng khắp, an yên nhân dân thì tăng trưởng bao nhiêu, người dân cũng chấp nhận, đồng lòng. 

Chúng ta cũng cần sòng phẳng là khi Thủ tướng Phạm Minh Chính nhậm chức trong bối cảnh tình hình chung kinh tế thế giới nhiều lao đao, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 2,19% thôi. Tăng trưởng dương nhưng cũng thấp rồi.

Đến nay, chủng mới lại dữ dội hơn, các chuỗi cung ứng, sản xuất thế giới đứt gãy khắp nơi, chiến lược tiêm chủng vắc xin của Việt Nam gặp khó khăn do thiếu vắc xin... Rõ ràng bối cảnh rất khác, chúng ta cần giải quyết những nhiệm vụ ưu tiên là giữ ổn định và đẩy lùi dịch bệnh rồi mới làm gì thì làm.

Đánh giá một nhiệm kỳ Chính phủ cần dài hơi và có công bằng chứ không phải giai đoạn ngắn, nhất là một năm đầy sóng gió như năm nay.

Tôi cho rằng thước đo lớn nhất hiện nay là chống được dịch tốt đã là thành công rồi. Lúc này, rất khó có thể nói trước được tăng trưởng bao nhiêu %/năm là vừa và không ai nói hay được, chỉ có bắt tay vào làm và làm.

Người dân chỉ cần Chính phủ có chiến lược tiêm chủng tốt, an dân, giữ được sinh kế cho nhân dân, nhất là người nghèo, cận nghèo - người chịu tổn thương lớn nhất... thì tăng trưởng bao nhiêu họ cũng đồng lòng.

Ai cũng muốn, cũng biết là tăng trưởng cao sẽ giúp trả nợ, tạo nền tảng cho tương lai trở thành nước giàu mạnh... Nhưng phải thực tế, chúng ta không được phép đánh đổi. Nếu dịch bệnh gia tăng, không có cách nào để phát triển được, không một nền kinh tế nào phát triển được.  

Chuyên mục: Góc nhìn
Phạm Chi Lan
Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế

Phạm Chi Lan sinh ngày 14 tháng 1 năm 1945 là một chuyên gia kinh tế nổi bật của Việt Nam. Bà từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *