Góc nhìn 23/07/2021 12:41

Câu chuyện không bền vững

Tăng thu dựa vào kinh doanh bất động sản, chứng khoán không có gì đáng mừng và đừng dựa vào tăng thu này mà thỏa mãn.

TS. Cấn Văn Lực

Chuyên gia tài chính - ngân hàng thuộc Trường đào tạo BIDV

Sáu tháng đầu năm nhìn về con số thống kê, có vẻ tương đối ổn. Nhưng 6 tháng đầu năm chúng ta có được thuận lợi và khó khăn gì, kể cả bên trong lẫn bên ngoài? Đó là sự hồi phục rất mạnh từ các thị trường chính như: Mỹ, EU và Trung Quốc.... Đây là yếu tố rất thuận lợi cho Việt Nam.

Các nước về cơ bản giữ tiền rẻ, lãi suất thấp, hết năm nay có thể vẫn giữ như này và có thể kích cầu thêm, tiền rẻ có thể tương đối nhiều. Điều này sẽ thuận lợi hơn cho thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là thị trường chứng khoán phát triển nhanh, mạnh.

Tuy nhiên, thách thức lớn cho kinh tế thế giới hiện nay là các loại biến thể dịch Covid-19, mức tăng giá cả của hàng loạt mặt hàng cả nguyên liệu lẫn thành phẩm. Điều này giúp xuất khẩu tăng trưởng nhưng nhập khẩu lại gặp bất lợi.

Điều đáng lo hiện nay là chi phí logistics trong đó chi phí thuê container tăng 2 đến 3 lần so với trước đã khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Thu ngân sách nửa năm tăng tốt trong bối cảnh dịch bệnh có vấn đề. Tôi thấy tỷ lệ thu ngân sách hiện nay chủ yếu là thu từ kinh doanh bất động sản, chứng khoán đem lại. Trong đó số thuế phí từ thuế thu nhập cá nhân hoạt động kinh doanh chứng khoán, bất động sản tăng mạnh do quý I thị trường đất nền sốt, giao dịch bất động sản tăng cao.

Tăng thu dựa vào kinh doanh bất động sản, chứng khoán không có gì đáng mừng và đừng dựa vào tăng thu này mà thỏa mãn. Đây là câu chuyện không bền vững, chúng ta cần xem xét để có hướng giải quyết.

Đầu tư công cũng cần mổ xẻ kỹ hơn vì giải ngân rất chậm, ảnh hưởng đến tính lan tỏa cho nền kinh tế.

Sự hồi phục và phát triển trong nền kinh tế hiện nay không đồng đều giữa các ngành nghề và lĩnh vực. Doanh nghiệp công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bán buôn, y tế phát triển nhanh, tốt... Một số lĩnh vực như vận tải, kho bãi, du lịch, lưu trú, ăn uống, giáo dục đào tạo còn cực kỳ khó khăn.

Về tái cơ cấu nền kinh tế, thực trạng vốn đã chậm nay còn chậm hơn. Nguy cơ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng lên do nhóm vay hiện nay tiềm ẩn rủi ro.

Theo tôi, lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm tăng cao do họ chưa phải trích lập dự phòng nợ xấu. 6 tháng cuối năm, nợ xấu tiềm ẩn thời gian tới đây có thể tăng lên từ nhóm nợ hiện nay. Trích lập dự phòng nợ xấu từ nay đến cuối năm có thể phải lên đến 42.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, lợi nhuận 6 tháng cuối năm của ngân hàng sẽ không sáng sủa như 6 tháng đầu năm.

Giải pháp trong thời gian tới để nền kinh tế phục hồi nhanh chóng là các gói hỗ trợ cần nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tôi đề xuất có gói hỗ trợ lãi suất cho vay từ Chính phủ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nhà nước hỗ trợ phần lãi suất thị trường từ 3-4%, còn lại doanh nghiệp chịu. Tính toán thực hiện 6 tháng cuối năm, số tiền ngân sách chỉ phải bỏ ra từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng, trong khi cứu được nhiều doanh nghiệp.

Ngoài ra, Việt Nam cần tìm kiếm động lực tăng trưởng bổ sung, thay thế như tận dụng xuất khẩu vào thị trường nào sớm hồi phục phải đẩy mạnh giao thương, xuất khẩu để tạo cơ hội cho doanh nghiệp. Trong nước cần tăng cường hiệu quả, hiệu lực để giải ngân đầu tư công, thúc đẩy hộ gia đình, kinh tế số.... phát triển để có dư địa tăng trưởng mới tốt hơn.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *