Góc nhìn 15/06/2021 09:58

Tạo sân chơi bình đẳng

Trước đây có thời kỳ chúng ta ưu tiên số 1 là doanh nghiệp Nhà nước, sau đó là FDI… Bây giờ nên tạo ra sân chơi bình đẳng đúng nghĩa.

TS. Huỳnh Thế Du

Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Covid-19 khiến bối cảnh thế giới thay đổi. Còn có những quan điểm khác nhau nhưng một điều chắc chắn rằng kinh tế toàn cầu sau đại dịch sẽ rất khác so với trước đây. Trong đó, các hoạt động, hình thái kinh tế, giao tiếp kinh tế... đều khác rất nhiều và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam đã khác giai đoạn trước rất nhiều. Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt mức tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tiếp.

Trước đây, Trung Quốc là quốc gia có sức hút lớn đối với các doanh nghiệp trên thế giới. Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất toàn cầu dịch chuyển sản xuất, chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc hoặc thực hiện chiến lược "Trung Quốc +1" thì Việt Nam được đánh giá hưởng lợi. Covid-19 như yếu tố thúc đẩy quá trình đó xảy ra nhanh hơn.

Tuy vậy, khi dịch chuyển khỏi Trung Quốc thì các tập đoàn, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn khác ngoài Việt Nam, sự cạnh tranh là rất mạnh mẽ. Đừng vội mừng hay quá kỳ vọng!

Hơn nữa, quá trình dịch chuyển cũng không phải chuyện một sớm một chiều. Với một nhà máy tỷ USD thì dù doanh nghiệp dù có quyết dịch chuyển cũng mất rất nhiều thời gian. Đó không phải là câu chuyện chỉ trong vài ngày, vài tháng… Nó có thể diễn ra trong rất nhiều năm.

Việc quan trọng cần làm bây giờ nữa đó là tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp. Không nên phân biệt doanh nghiệp nội hay ngoại. Trước đây có thời kỳ chúng ta ưu tiên số 1 là doanh nghiệp Nhà nước, sau đó là FDI… Bây giờ nên tạo ra sân chơi bình đẳng đúng nghĩa.

Nhiệm vụ của nhà nước là tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp có thể cạnh tranh với hệ thống chính sách, quy định, tiêu chí rõ ràng, minh bạch. Luật Doanh nghiệp đó, tất cả đều phải tuân thủ.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trước nay vô cùng khó khăn rồi, điều họ cần là một môi trường bình đẳng để có cơ hội cạnh tranh và phát triển.

Tuy nhiên cũng phải nói thêm, nhiều quan điểm quá coi trọng việc tập trung vào phát triển doanh nghiệp lớn hay ngược lại cần phải hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.

Tôi thì cho rằng không nên phân biệt lớn, nhỏ ở đây. Điều quan trọng theo tôi vẫn là tạo môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng để mọi doanh nghiệp đều tìm kiếm được cơ hội phát triển.

Việc cần làm của nền kinh tế bây giờ là phải nâng giá trị gia tăng, phát triển bề sâu, đưa tri thức vào sản phẩm kinh tế cao hơn. Giáo dục, đổi mới sáng tạo… sẽ là những động lực tăng trưởng mới của Việt Nam.

Chuyên mục: Góc nhìn
Huỳnh Thế Du
Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam

Ông Huỳnh Thế Du là giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Ông nhận bằng thạc sỹ quản lý công tại Trường Harvard Kennedy năm 2010 và bằng tiến sỹ tại Trường Kiến Trúc Harvard năm 2013.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *