Góc nhìn 13/04/2021 16:31

Bốn thách thức lớn của nền kinh tế

Nhiều thách thức rất lớn và cấp bách đang chờ Thủ tướng và Chính phủ mới, trong cả nỗ lực điều hành và chiến lược cải cách.

PGS.TS Vũ Minh Khương

Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore)

Về điều hành, theo tôi, có 4 thách thức nổi bật.

Thứ nhất, đó là làm sao Việt Nam nhanh chóng vượt ra khỏi khủng hoảng đại dịch Covid-19 và tiếp tục tạo nên những thành công ấn tượng mới trong nỗ lực phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Từ góc nhìn của tôi, triển khai sớm và quyết đoán "hộ chiếu vắc xin" theo kinh nghiệm của Singapore là một bước đi quan trọng, nên làm sớm. Nó mang lại lợi ích rất lớn, không chỉ về kinh tế mà cả thương hiệu quốc gia, trong khi rủi ro là hoàn toàn có thể kiểm soát được.

hứ hai, đó là các dự án hạ tầng chiến lược, đặc biệt là sân bay, cảng biển, giao thông và hệ thống tàu điện ngầm ở Hà Nội và TP.HCM. Chúng ta phải gấp rút chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19, khi mà nhu cầu vận tải và hậu cần tăng nhanh và cao hơn rất nhiều so với thời điểm trước đại dịch.

Thứ ba, đó là hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác hiệu quả hơn các nguồn lực và cơ hội hiện có thông qua đổi mới sáng tạo, không chỉ trong công nghệ mà cả chiến lược kinh doanh. Chúng ta cần có những giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp không chỉ tăng xuất khẩu mà, quan trọng hơn, tăng giá trị gia tăng và năng suất lao động từ mỗi đô la xuất khẩu.

Thứ tư, đó là đẩy nhanh nỗ lực chuyển đổi số trong toàn xã hội, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp, Chính phủ và các trường đại học. Trong nỗ lực này, Chính phủ cần đóng vai trò lớn hơn không chỉ trong thôi thúc mà cả trong việc tạo nên các nền tảng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm và giám sát tiến bộ đạt được từng năm.

Về chiến lược cải cách, theo tôi, Chính phủ cần tập trung vào các thách thức có tính cấu trúc. Đây là các thách thức mà chúng ta không thể vượt qua chỉ bằng nhiệt tâm và nỗ lực điều hành mà đòi hỏi những cải cách đột phá với tầm nhìn chiến lược và ý thức xây dựng nền tảng lâu dài cho một nền kinh tế hiện đại.

Trong nội dung này xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, quy hoạch và quản lý đất đai, nâng cao hiệu lực đầu tư công, chống tham nhũng là những thách thức cần được ưu tiên hàng đầu trong các quyết sách cải cách của Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chính phủ mới có 3 điều kiện thuận lợi chưa từng có để đưa nền kinh tế nước ta đạt được bước tiến quan trọng cả về chất và lượng trong nhiệm kỳ 5 năm tới.

Thứ nhất, nền kinh tế bắt đầu ra khỏi khủng hoảng và bắt đầu tăng tốc với triển vọng sáng sủa khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn từ năm 2022 trở đi.

Mặc dù năm 2021 chúng ta khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% vì ngành dịch vụ còn rất nhiều khó khăn do biên giới về cơ bản còn đóng cửa, có lẽ đến hết quý III, nhưng Việt Nam sẽ đạt tới một số mốc quan trọng trong năm chuyển tiếp này. Đó là dự trữ ngoại hối vượt 100 tỷ USD, xuất khẩu vượt 300 tỷ USD và tăng trưởng ngành công nghiệp chế tạo có thể đạt mức 9-10%.

Thứ hai, Việt Nam ở vị thế và tâm thế rất thuận lợi khi bước sang giai đoạn phát triển hậu khủng hoảng. Thế giới bàn đến Việt Nam với những nhận xét tích cực và kỳ vọng cao trong khi niềm tin và quyết tâm của các doanh nghiệp và người dân Việt Nam vào nỗ lực đẩy nhanh công cuộc phát triển có chuyển biến cao hơn hẳn về chất so với 5 năm trước đây.

Thứ ba, đội ngũ lãnh đạo trụ cột của Việt Nam có sự đồng tâm và hiểu biết thấu đáo về tính cấp thiết cũng như phương cách tiến hành để Chính phủ có thể tiến hành những cải cách đột phá chưa từng có giai đoạn 5 năm tới.

Những cải cách này sẽ tập trung vào các thách thức có tính cấu trúc như xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, cải cách doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư công như đã nói ở trên.

Trong bài phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đưa ra 5 vấn đề ưu tiên trong chính sách phát triển.  5 nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng đề ra là toàn diện. Dĩ nhiên, việc thực hiện sẽ cần một số chiến lược và chương trình hành động cụ thể thời gian tới.

Khi soạn thảo các chiến lược và chương trình hành động cụ thể này, theo tôi cần đặc biệt coi trọng 3 nguyên tắc sau.

Thứ nhất, đó là tăng cường tối đa sự minh bạch, trong đó trách nhiệm cá nhân cần làm rõ.

Thứ hai, đó là đặc biệt coi trọng động lực khuyến khích (giống như giao đất cho nông dân). Đây chính là "bàn tay vô hình" thúc đẩy mọi người, nhất là đội ngũ cán bộ công nhân viên Nhà nước làm việc hết lòng và thôi thúc sáng tạo.

Thứ ba, đó là dựa vào dân trong mọi nỗ lực vượt qua thách thức lớn. Lắng nghe ý kiến đóng góp của dân, công khai kết quả thực hiện, dựa vào cảm nhận của dân để đánh giá chất lượng phục vụ của các bộ, ban ngành, và chính quyền địa phương.

Ngoài 5 nhiệm vụ đã nêu, Chính phủ mới cần làm rõ và coi trọng đặc biệt việc nắm bắt và tiếp thu tối đa tinh hoa tri thức nhân loại trong mọi nỗ lực phát triển.

Nhật Bản đã tiến những bước vượt bậc cải cách Minh Trị nhờ chiến lược phát huy rực rỡ sức mạnh cộng hưởng của tinh thần dân tộc với tinh hoa tri thức nhân loại cùng khẩu hiệu "Hòa thần Dương khí".

Việt Nam có những thuận lợi đặc biệt để phát triển mô hình "tinh thần dân tộc cộng tinh hoa nhân loại" này thời đại số. Trong đó, hình thành các đặc khu tri thức là một ý tưởng nên được bàn luận và nghiên cứu triển khai.

Đặc khu tri thức giúp Việt Nam huy động được nguồn lực tri thức tinh hoa toàn cầu để giúp giải quyết các bài toán khó và ứng đáp với các thách thức gặp phải một cách nhanh chóng, sâu sắc, và toàn diện.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *