Góc nhìn 20/03/2021 20:24

Thu nhập của người Việt đạt 12.500 USD năm 2045

Đây là một mục tiêu tham vọng song dựa trên quỹ đạo tăng trưởng hiện tại của Việt Nam, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được.

Eddy Malesky

Giáo sư kinh tế chính trị, Đại học Duke - Mỹ

Gần đây, nhiều tổ chức tài chính đã đưa ra những cái nhìn lạc quan về nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Tôi nghĩ đây là một mục tiêu đầy tham vọng. 

Song dựa trên quỹ đạo tăng trưởng hiện tại của Việt Nam, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được. Tôi tin Chính phủ Việt Nam cũng sẽ sớm tìm ra sự kết hợp giữa quản trị và quy định phù hợp. Từ đó, người tiêu dùng và người lao động được cung cấp đầy đủ "những biện pháp an toàn" mà doanh nghiệp cũng không chịu áp lực quá nặng nề.

Cải cách cần làm nhất bây giờ, theo quan điểm của tôi, là Việt Nam cần có một thể chế hợp đồng và quyền tài sản phù hợp với một nền kinh tế đổi mới. Các doanh nghiệp cần được biết rằng những khoản đầu tư đắt tiền vào R&D sẽ mang lại trái ngọt, công việc kinh doanh của họ sẽ được đảm bảo an toàn về lâu dài. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể tự tin thực hiện các hợp đồng phức tạp với các đối tác kinh doanh mà họ không hề quen biết vì khi đó họ biết quyền lợi của họ được đảm bảo và các tranh chấp sẽ được phân xử công bằng.

Ngoài ra, tôi cho rằng các bạn cũng cần một hệ thống giáo dục đại học. Trong hệ thống này, sinh viên được trang bị đầy đủ những kỹ năng linh hoạt có thể theo kịp với công nghệ sản xuất đang liên tục thay đổi, để người lao động bắt kịp dễ dàng với một nền kinh tế đổi mới.

Một vấn đề nữa là thị trường lao động. Việt Nam cũng cần có một thị trường lao động linh hoạt, cho phép các công ty liên tục tìm kiếm liên tục những lao động có kỹ năng phù hợp. Ngược lại, người lao động cũng có quyền được lựa chọn công việc phù hợp khả năng và được thưởng một cách xứng đáng khi đầu tư nhân lực của chính mình. 

Cơ hội và tiềm năng là thế song không phải là không có thách thức.

Thách thức lớn nhất tôi thấy các bạn sẽ đối mặt cũng là thách thức mà các nước khác trải qua. Đó là biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường có thể tổn hại đến loại hình kinh tế đổi mới mà các bạn đang hướng tới. Tôi nghĩ ngay bây giờ, chúng ta cần phải kích hoạt các biện pháp bảo vệ, đảm bảo khuyến khích phát triển nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường, làm suy yếu tài sản thiên nhiên quý giá nhất của Việt Nam và sức khỏe của người dân.

Tại Mỹ, chúng tôi có câu nói, đó là "Hãy nhắm đến mặt trăng. Nếu trượt, bạn vẫn hạ cánh giữa các vì sao". Chúng ta hãy đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để xem liệu ta có thể thực hiện được chúng hay không. Vì ngay cả khi không làm được như vậy, cuối cùng bạn vẫn sẽ được ở một nơi tốt hơn.

Với các mục tiêu về kinh tế của Việt Nam, tôi luôn coi đây không phải là một "bài tập khoa học về dự báo kinh tế" mà là một cách tạo điểm nhấn nhằm truyền tải năng lượng.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *