Đời Sống 15/06/2021 11:43

Nông sản từng bước ghi dấu ấn trên bản đồ thế giới

Đặc sản vải thiều Việt Nam giờ đây đã được người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới biết đến, trong đó, người tiêu dùng Nhật Bản đặc biệt ưa chuộng. Có thể khẳng định, thương hiệu vải thiều đã và đang gây dựng được tiếng vang trên bản đồ thế giới, được người tiêu dùng thế giới biết đến, không còn là những sản phẩm vô hình như nhiều năm trở về trước.

Vải xuất khẩu được dán tem truy xuất nguồn gốc

Sau những lô vải đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản hồi cuối tháng 5 vừa qua, tiếp tục thương hiệu vải Thanh Hà (Hải Dương) và vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) được đưa đến các thị trường Châu Âu như Pháp, Bỉ. Đáng chú ý, không còn xuất khẩu theo số lượng, “đổ xô” như trước kia, vải thiều xuất khẩu đã được lựa chọn trên cơ sở các sản phẩm được khoanh vùng trồng, kiểm soát chặt chẽ từ khâu trồng đến khâu thu hoạch và cuối cùng là dán nhãn truy xuất nguồn gốc.

Đại sứ Vũ Hồng Nam (phải) và Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh (trái) trong sự kiện quảng bá trái vải Việt Nam tại Nhật Bản

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục XTTM cho biết: “Không chỉ xúc tiến đơn thuần về mặt số lượng xuất khẩu và khai mở các kênh phân phối mới, Cục XTTM đã và đang thực hiện những bước đi chiến lược để đưa quả vải Việt Nam có sự thâm nhập và phát triển bền vững ở thị trường nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng thông qua các biện pháp tăng cường sự nhận diện thương hiệu vải Việt Nam và bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở thị trường nước ngoài. Năm nay là năm đầu tiên chúng ta có thể thấy rất nhiều hộp vải phục vụ người tiêu dùng cuối cùng ở nước ngoài mang chính thương hiệu của DN Việt Nam, được kèm theo tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục XTTM phát triển”.

Giờ đây, nhiều người tiêu dùng thế giới tìm mua trái vải thiều của Việt Nam bởi uy tín, chất lượng, cho thấy, thương hiệu vải thiều Việt đã và đang khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thế giới.

Tại thị trường Nhật Bản, nhiều người Nhật Bản tìm đến các siêu thị để tìm mua sản phẩm vải thiều Việt Nam với mục đích làm quà biếu, mặc dù giá không hề “dễ chịu”. Theo đó, giá sản phẩm vải thiều đến tay người tiêu dùng Nhật Bản có giá 350.000 -500.000 đồng/kg.

Gây dựng thương hiệu nông sản trên thị trường thế giới

Để có được những dấu ấn tại thị trường khó tính này, không thể không kể đến vai trò của cơ quan Xúc tiến thương mại, DN cũng như chính quyền các địa phương thời gian qua. Theo chia sẻ của Đại sứ Vũ Hồng Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, thời gian qua, Đại sứ quán luôn nỗ lực tăng cường triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh và thúc đẩy tiêu thụ quả vải tươi Việt Nam tại thủ đô Tokyo cũng như nhiều địa phương của Nhật Bản. Theo đó, các sự kiện như Tuần hàng Việt Nam tại chuỗi siêu thị AEON tại Saitama, Kagoshima…đã được tổ chức nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam đến người tiêu dùng Nhật Bản, trong đó nổi bật là quả vải.

Bên cạnh đó, kênh kết nối giao thương trực tuyến cũng được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nỗ lực thúc đẩy, từ đó kết nối được bên bán và bên mua, giữa DN xuất khẩu của Việt Nam và các nhà phân phối nước bạn. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, đơn vị chủ trì thực hiện hàng loạt các chương trình, hoạt động kết nối giao thương trực tuyến thời gian qua cho biết, thông qua các sự kiện này, các DN đầu mối xuất khẩu quả vải thiều Việt Nam, các địa phương trồng vải Việt Nam đã giới thiệu tới các khách hàng tiềm năng Nhật Bản những đặc tính nổi trội của quả vải thiều Việt Nam, tính quy mô hàng hóa lớn của các vùng trồng vải, năng lực đáp ứng đa dạng đơn hàng vải thiều của DN Việt Nam.

“Kết quả của phương thức tiếp cận này là một số hợp đồng hợp tác bao tiêu, xuất khẩu quả vải thiều Việt Nam sang Nhật Bản đã được ký kết. Trong đó, gần đây nhất, cùng với sự vào cuộc tích cực của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, một số doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Rồng Đỏ đã chốt được đơn hàng xuất khẩu vải thiều cho hai đối tác mới và quan trọng tại Nhật Bản” – bà Thủy cho biết.  

Câu chuyện quả vải thiều tươi Việt Nam thường được nhắc tới thường xuyên trong các buổi tiếp xúc với các đối tác Nhật Bản. Bên cạnh đó, các thông tin liên quan đến quả vải cũng được phổ biến, chia sẻ rộng rãi trên các trang tin của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, hoặc qua các bài trả lời phỏng vấn một số kênh truyền thông uy tín của Việt Nam và Nhật Bản…

Có thể khẳng định, từ đây, thương hiệu trái vải của chúng ta ngày càng được nâng lên, được người tiêu dùng Nhật Bản cũng như thế giới biết đến.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho sản phẩm của DN bắt nguồn từ chính câu chuyện về hành trình của sản phẩm từ lúc hình thành, phát triển, cho đến khi đến tận tay khách hàng. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là công cụ giúp người dùng không những được trải nghiệm quá trình sản xuất ra sản phẩm mà còn có cơ hội thưởng thức giá trị về lịch sử, địa lý, hiểu rõ về cách thức chăm sóc và quy trình để tạo nên sản phẩm. Qua tem itrace247 trên các hộp vải, người tiêu dùng Nhật Bản sẽ hiểu rõ hơn về quá trình quả vải thiều Việt Nam được vun trồng, thu hoạch, bảo quản và vận chuyển an toàn, đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng Nhật Bản. Đó cũng là cách để vải thiều nói riêng, nông sản Việt nói chung ghi dấu ấn của mình trên bản đồ thế giới.

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *