Góc nhìn 20/07/2021 07:26

Lãi suất cho vay có tăng theo lãi suất huy động?

100 đồng huy động thì cho vay đến 85 - 90 đồng, do đó, dự trữ thanh khoản chỉ còn khoảng 10 đồng, như thế là rất căng thẳng.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh

Vừa qua, một số ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi, có thể do họ khá căng về thanh khoản, nghĩa là tốc độ tăng trưởng chung của tiền gửi chậm hơn là cho vay. Vì vậy, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) hiện ở mức rất cao.

Thông thường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến cáo chỉ nên sử dụng dưới 80% để cho vay nhưng vừa rồi tỷ lệ đó lên tới 85 - 90%. Tức là 100 đồng huy động thì cho vay đến 85 - 90 đồng, do đó, dự trữ thanh khoản chỉ còn khoảng 10 đồng, như thế là rất căng thẳng.

Giả sử, người dân vì sợ dịch Covid-19 kéo dài mà rút tiền ra, ngân hàng sẽ gay go. Do đó, một số ngân hàng thương mại (NHTM) bổ sung thêm dự phòng thanh khoản bằng cách tăng lãi suất huy động. Vậy lãi suất cho vay có tăng lên không?

Nhìn chung, nếu lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay tăng, vì ngân hàng phải đảm bảo biên lợi nhuận ổn định. Hiện nay, biên lợi nhuận của các NHTM đang giãn ra, nghĩa là chênh lệch của lãi suất tiền gửi với lãi suất cho vay đang tăng lên.

Đó là một trong những nguyên nhân khiến ngành ngân hàng đạt mức lợi nhuận ấn tượng trong năm ngoái và nửa đầu năm nay. Nhưng dù sao, đây cũng chỉ là phỏng đoán. Còn lãi suất cho vay có tăng thật hay không, theo tôi thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Hiệp hội Ngân hàng đứng ra vận động các NHTM giảm lãi suất cho vay với mục đích góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi. Khi vừa rồi, các doanh nghiệp phục hồi khá tốt, chúng ta có thể nhìn vào con số tăng của nhập khẩu mà tăng của nhập khẩu chủ yếu là nguyên nhiên vật liệu, điều này chứng tỏ doanh nghiệp được phục hồi, đầu tư tư nhân đang tăng dần.

Ở Việt Nam, những năm trước, xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu dù nền kinh tế tăng trưởng thấp, thặng dư thương mại lớn vì không sản xuất cho nên không nhập khẩu nguyên vật liệu. Bởi vì sản xuất của Việt Nam phần lớn là gia công.

Thông thường, khi phục hồi, các doanh nghiệp sẽ tiến hành vay vốn ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn để đầu tư, mua vật tư và trang thiết bị để sản xuất. Cái tăng tín trưởng tín dụng đó, cộng thêm tăng xuất khẩu sẽ tạo ra tăng trưởng GDP trong tương lai, vì bây giờ mới đang trong giai đoạn đầu tư. Bởi thế, nửa đầu năm nay ở Việt Nam mới có câu chuyện tín dụng tăng trưởng mạnh.

Ngoài ra, theo tôi, còn có một lượng tín dụng đi vào chứng khoán, bất động sản. Do phần lớn các doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình bị đóng cửa, không thể kinh doanh, hoạt động, nhất là các ngành dịch vụ. Một mặt, họ muốn bảo toàn vốn, mặt khác muốn kiếm thêm lợi nhuận để duy trì sản xuất kinh doanh, chi trả kinh phí mặt bằng, trả lương nhân viên. Do đó, họ sẽ chuyển hướng đầu tư vào bất động sản, chứng khoán. Bởi những người này có tài sản đảm bảo nên có thể vay được tiền ngân hàng.

Tôi nghĩ rằng, một số ngân hàng trên đang có lợi thế trong việc giảm lãi suất. Lợi thế thứ nhất là lãi suất huy động tiền gửi ở các ngân hàng này đang khá thấp. Thứ hai là khách hàng vay vốn của họ được xếp hạng khá tốt, nhất là doanh nghiệp lớn. Thứ ba là khẩu vị rủi ro của ngân hàng là an toàn nên chọn giải pháp giảm lãi suất xuống để các doanh nghiệp có rủi ro thấp. Nhưng có thể, các ngân hàng này sẽ dùng tới các biện pháp khác để kiểm soát.

Theo tôi dự đoán, trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng có thể giữ nguyên lãi suất hoặc tăng chút ít, còn giảm thì khó.

Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra phương án các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay vì họ đang có lợi nhuận cao. Nhưng điều này cũng vấp phải sự phản ứng kịch liệt của các cổ đông trong ngân hàng, vì giảm lãi suất cho vay đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận xuống, giảm cổ tức xuống.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *