"Cổ phần hóa thành cửa tham nhũng nếu..."

"Khi luật pháp không có một cơ chế đủ mạnh để quản lý thì CPH sẽ trở thành cửa cho những người tham nhũng kiếm ăn".

Đó là quan điểm của Ths Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới.

 

PV: - Thưa ông, nhìn vào bức tranh chung của nền kinh tế, nợ công, tái cấu trúc kinh tế được bàn thảo cũng nhiều, chỉ đạo cũng mau nhưng tại sao "tái mãi mà vẫn không chín"? Và theo ông, có thể tái cơ cấu tập đoàn doanh nghiệp nhà nước bằng cách chuyển những doanh nghiệp khó khăn cho các tập đoàn khác, thay tên đổi họ, khoanh nợ giãn nợ… được không?

 

Ths Bùi Ngọc Sơn: - Để nền kinh tế hiệu quả hơn, tăng trưởng cao hơn, bắt buộc phải tái cấu trúc. Tái cấu trúc nói theo cách dễ hiểu nghĩa là phải tổ chức lại, trong đó cái gì đã hỏng phải bị loại bỏ, làm lại hoàn toàn theo một quan điểm mới, nguyên tắc mới, định hướng phát triển mới.

 

Cụ thể, theo quan điểm của tôi, tái cấu trúc DNNN hiện nay muốn thực sự hiệu quả và có ý nghĩa lâu dài là phải đụng đến vấn đề sở hữu doanh nghiệp. Nghĩa là, nhà nước phải rút lui, trao lại quyền đó cho tư nhân bất kể doanh nghiệp đó đang có lãi hay lỗ.

 

Không thể gọi là tái cấu trúc khi DN chỉ được thay tên đổi họ, khoanh nợ, giãn nợ và vẫn tồn tại dựa trên nguyên tắc cũ, vẫn nhà nước nắm cổ phần chi phối, vẫn hệ điều hành cũ, con người cũ... đó không gọi là tái cấu trúc.

Nếu phải gọi tên cho đúng thì tôi cho rằng cần phải gọi đó là "sửa chữa, đắp vá, sơn bả" lại, làm đẹp hơn tí chút cái hình hài quá ốm của những tập đoàn kinh tế. Đó chỉ được coi là mức thấp nhất trong tái cơ cấu vì nó không hề có ý nghĩa gì trong việc đem lại hiệu quả cho nền kinh tế trong tương lai.

 

Ths Bùi Ngọc Sơn
Ths Bùi Ngọc Sơn

 

PV: - Nếu vậy, theo ông phải yêu cầu tái cấu trúc với các tập đoàn kinh tế ra sao?

 

Ths Bùi Ngọc Sơn: - Đầu tiên, phải xác định rõ vai trò của nhà nước trong nền kinh tế là gì? Thứ nhất, nhà nước nên và chỉ nên là cái đệm, là người hỗ trợ cho tư nhân tìm kiếm lợi nhuận, chứ nhà nước không nên và không thể là người tự mình đi tìm lợi nhuận được.

 

Thứ hai, nhà nước có được cái quyền tối thượng là thu thuế. Tư nhân đi tìm lợi nhuận và phải nộp thuế để nuôi nhà nước. Việc gì nhà nước phải đi tìm lợi nhuận để trở thành người vừa thổi còi vừa đá bóng, cạnh tranh với tư nhân?

 

Thứ ba, nhà nước, về mặt kinh tế, nên và chỉ nên là người kiến tạo môi trường luật pháp công bằng, môi trường kinh doanh sao cho cạnh tranh, linh hoạt.

 

Thứ tư, nhà nước chỉ tham gia trực tiếp kinh tế (sản xuất, kinh doanh) ở những lĩnh vực nào mà tư nhân không thể làm được (vì quá phức tạp, vốn quá lớn, không thể có lãi, hay vì lý do nào đó...) nhưng đó lại là lĩnh vực không thể thiếu trong nền kinh tế mà thôi.

 

Chẳng hạn, trong điều kiện Việt Nam, điện hạt nhân là vượt tầm tư nhân, nhưng nếu được xác định là không thể thiếu thì nhà nước phải đứng ra làm, còn các lĩnh vực khác hay để lại cho tư nhân.

 

Khối DNNN hiện đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế khi đóng góp gần 30% GDP và chiếm 23% số lượng lao động nhưng lại đang hoạt động rất không hiệu quả, lãng phí, đầu tư tràn lan quá nhiều lĩnh vực, và cả tham nhũng rất nặng nề. Việc tái cấu trúc khối này là hết sức cần thiết nếu muốn nền kinh tế trở nên hiệu quả hơn.

 

Sở dĩ có chuyện đó vì chúng ta có quan niệm sai lầm về vai trò của nhà nước trong kinh tế theo nghĩa nhà nước phải trực tiếp nắm các cơ sở kinh doanh, sản xuất. Việc này, như đề cập ở trên, làm cho nhà nước trở thành người đi tìm lợi nhuận, cạnh tranh với tư nhân, vừa là người thổi còi vừa là người đá bóng.

 

Nếu một tập đoàn nhà nước làm ăn không hiệu quả Chính phủ cần mạnh dạn cho giải thể, phá sản hay bán thẳng cho tư nhân. Việc lấy công ty SCIC ra để mua nợ xấu, mua cổ phần là không hợp lý, không thể gọi là tái cấu trúc theo đúng nghĩa được, vì cuối cùng vẫn là sở hữu nhà nước. Tiền của SCIC là từ đâu, chính là tiền ngân sách, tiền thuế của dân.

Như vậy, rõ ràng tái cấu trúc đang bị làm méo mó bản chất, không đúng với mục đích, chủ trương phải đạt được khi tái cấu trúc.

 

Quá trình làm hiện nay ai đó gọi là tái cấu trúc nhưng tôi không coi đó là tái cấu trúc. Mà trên thực tế, chúng ta chưa có được một chương trình tái cấu trúc đúng nghĩa, nó chưa được định nghĩa rõ ràng về các mặt. Chẳng hạn, ai là người có quyền được tái cấu trúc? và quyền lực đó đến mức nào?; Tái cấu trúc thế nào?; Chi phí tái cấu trúc hết bao nhiêu tiền? tiền đó lấy từ đâu? Chương trình, lịch trình và mục đích là gì?...

 

Tôi cho rằng, với đề án tái cấu trúc hiện nay thực chất chỉ là câu giờ, không thể làm được gì.

 

PV: - Thưa ông, nếu chỉ chăm chăm vào CPH cổ phần hóa nhưng nếu CPH không được minh bạch, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đã được Chính phủ cho phép thoái vốn dưới giá thì điều gì sẽ xảy ra?

 

Ths Bùi Ngọc Sơn: Đã xác định việc tái cấu trúc thì phải xác định thay đổi ngay chủ sở hữu, thay đổi hệ thống quản trị doanh nghiệp, nhằm mục đích chuyển khối "tài sản chết" trong tay nhà nước sang một khối doanh nghiệp khác mang lại hiệu quả hơn, kinh tế phát triển bền vững hơn.

 

Hiện chúng ta đang tập trung vào CPH cũng vì mục đích này, tuy nhiên nó sẽ chỉ đạt được khi CPH được tiến hành triệt để, đúng mục đích.

 

Tức là nhà nước phải giảm dần tỉ lệ nắm giữ cổ phần chi phối trong doanh nghiệp, tiến dần đến thoái vốn nhà nước hoàn toàn khỏi các doanh nghiệp mà về mặt chức năng, nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ.

Không thể thực hiện CPH khi nhà nước vẫn muốn ôm khư khư đống nợ, chờ bán được giá kiếm ít tiền đó không phải là mục đích cuối cùng nhà nước phải làm. Vì mục đích lớn hơn rất nhiều là chuyển đổi sở hữu để doanh nghịêp trở nên hiệu quả hơn, nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn, chứ không phải cố kiếm mấy đồng bạc cho ngân sách.

 

Trong bối cảnh thị trường kém cỏi thì chính là lúc đòi hỏi nhà nước hy sinh để kích thích nền kinh tế, thì rất nhiều người lại lo rằng CPH lúc này là thiệt cho nhà nước. Quan điểm này chính là quan điểm của những người lo kiếm vài đồng cho ngân sách hơn là chuyển đổi để có một nền kinh tế tốt hơn, bền vững hơn.

 

Nếu sợ thiệt hại do gian lận trong CPH thì chỉ cần công khai, minh bạch việc kiểm toán, định giá doanh nghiệp, và quá trình đấu giá tài sản của DN CPH là đủ.

 

PV: - Vậy nhìn từ bài toán tái cơ cấu Vinashin, đổi tên thành Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), khoanh nợ, xóa nợ chỉ là chuyện "bình mới rượu cũ". Hay như phương án CPH của VNA, CPH nhưng nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối, vẫn giữ nguyên “hệ điều hành cũ' thì ông thấy sao?

 

Ths Bùi Ngọc Sơn: - Tại sao lại gọi cách làm của Vinashin là cổ phần hóa hay tái cơ cấu, đó phải tuyên bố thẳng là phá sản. Đó là sự nhầm lẫn, mập mờ.

 

Còn với VNA cũng không được gọi là CPH. CPH nhưng VNA xin giữ lại tiền, xin được bảo lãnh vay vốn nghĩa là lẽ ra nguồn tiền nhà nước phải thu lại thì lại được rót ngược lại cho VNA. Nếu vậy CPH làm gì?

 

VNA có trả lãi nguồn vay cho Chính phủ không, trả dưới hình thức nào khi nhà nước nắm cổ phần chi phối, theo cách này VNA lại nợ Chính phủ và sẽ bị chính phủ chi phối hoạt động kinh doanh. Vậy thì làm gì có CPH, và CPH như thế để làm gì? Nếu vậy đó là khoản nợ chung mà nợ chung thì không ai phải trả. Như vậy, cũng có thể hiểu, danh là tư nhân, tiền nhà nước đầu tư, lãi đút túi, lỗ nhà nước chịu hay chính là tiền ngân sách (tiền thuế của dân) tiếp tục bỏ ra nuôi mấy doanh nghiệp này.

 

Nhất là khi luật pháp không có một cơ chế đủ mạnh để quản lý thì nó sẽ trở thành cửa cho những người tham nhũng kiếm ăn.

 

Khi đã CPH việc một doanh nghiệp sống ra sao, sống bằng nguồn nội lực nào phải do doanh nghiệp tự quyết định. VNA phải tự xây dựng phương án vay, không thể phụ thuộc mãi vào nhà nước, chờ đợi sự bao bọc của nhà nước.

 

PV:- Có người ví von, CPH hiện nay cũng giống như câu chuyện của cụ Nguyễn Tuân tưởng mình thoát nạn ô nhiễm tiếng ồn khi được hai anh thợ rèn và thợ gò hàng xóm báo tin sẽ chuyển chỗ ở. Nào dè hai anh này chỉ có chuyển chỗ ở… cho nhau mà thôi!

 

Ông có bình luận gì trước so sánh này, theo ông CPH DNNN đang nằm ở vị trí nào trong tiến trình tái cơ cấu hiện nay? Và sẽ phải hiểu mục đích CPH này như thế nào, nó sẽ đóng góp gì trong thành công của quá trình tái cơ cấu kinh tế hiện nay, thưa ông?

 

Ths Bùi Ngọc Sơn:-  So sánh như vậy không sai và như vậy CPH sẽ không thay đổi được gì, không đi đến đâu và không nằm ở đâu trong quá trình tái cấu trúc.

 

Cách làm này không khác với cách làm với các ngân hàng thương mại khi đề ra mục tiêu tái cơ cấu giúp các ngân hàng không bị rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán và khôi phục lại khả năng cho vay của hệ thống ngân hàng, giúp thúc đẩy nền kinh tế hồi phục.

 

Nhưng, tái cơ cấu mà lại đi gom những "xác chết ngân hàng" rồi cho một anh mạnh hơn đứng ra chìa "bầu vú cho bú", như vậy là tái cấu trúc kiểu gì? Làm như vậy sẽ không loại thải được ai, không đạt được mục đích gì.

 

PV: - Trước áp lực mới của tình hình kinh tế: việc chuẩn bị hội nhập đầy đủ, những rắc rối trong giao thương với Trung Quốc, với tốc độ và cách thức tái cơ cấu như hiện nay, tương lai có thể nhìn thấy trước của nền kinh tế Việt Nam là gì? Liệu sự đi xuống đó đã có thể nhìn thấy trong vòng 2 năm tới? Người hưởng lợi và thiệt hại nếu tái cơ cấu không thành công sẽ là những ai?

 

Ths Bùi Ngọc Sơn: - Rất khó để nhìn thấy được một sự đổi mới chỉ trong 2 năm tới khi nó chưa thể vượt qua được những giới hạn của nó. Nhất là khi nó liên quan tới quá nhiều lợi ích.

 

Tất nhiên, trong bối cảnh đó điều nhìn thấy ngay là đầu tư không hiệu quả, khối nợ lớn dần lên và chưa tìm được ai trả nợ.

 

Thứ hai, khi không có được một nền kinh tế khỏe mạnh mà lại lao vào quá nhiều cuộc chơi kinh tế trên toàn cầu, rõ ràng sẽ bị yếu thế phụ thuộc vào kinh tế và chính trị là đương nhiên.

 

PV: - Các chuyên gia cũng chỉ rõ, lợi ích nhóm chính là rào cản của tái cấu trúc. Vậy xin ông có thể chỉ rõ, lợi ích nhóm đó là ai và đang tồn tại ở đâu?

 

Ths Bùi Ngọc Sơn: - Lợi ích nhóm là rõ ràng rồi, không ai chối cãi. Biểu hiện rõ nhất thể hiện ngay từ khâu ban hành chính sách. Bất cứ bộ ngành nào khi thiết kế chính sách cũng cố gắng co kéo cho có lợi cho mình. Đó không phải là lợi ích nhóm thì là gì?

 

Nếu cứ duy trì mãi như vậy, ai cũng muốn lợi ích cho mình mà bất chấp lợi ích của quốc gia thì sớm muộn nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt.

 

PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

 
Theo Hiếu Lam
Đất Việt
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *