• -

Có cần lo ngại về bất bình đẳng tại Việt Nam?

Ông Gabriel Demombynes, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, có bài viết riêng cho Lao Động nhìn nhận về vấn đề bất bình đẳng tại Việt Nam.

Bất bình đẳng về cơ hội được coi là hình thức bất bình đẳng đáng lo ngại nhất tại Việt Nam.
 

Ngày 7.7, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam cho thấy, ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Song báo cáo có phần đặc biệt tập trung vào tình trạng bất bình đẳng tại Việt Nam, một chủ đề được quan tâm chung trên thế giới. Ông Gabriel Demombynes, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, có bài viết riêng cho Lao Động nhìn nhận về vấn đề bất bình đẳng tại Việt Nam.

"Có cần phải lo ngại về bất bình đẳng tại Việt Nam? - tôi đặt câu hỏi này với một người nông dân lớn tuổi gặp ở Lào Cai vào năm ngoái. Sau khi thấy người phiên dịch của tôi gặp khó khăn khi cố tìm ra từ tiếng Mông cho chữ “bất bình đẳng”, tôi hỏi lại ông xem ông thấy có vấn đề gì về sự khác biệt về thu nhập giữa người giàu và người nghèo hay không. Khi ông nói không, tôi lại hỏi theo ông thì một người giàu có thu nhập được bao nhiêu. Cỡ 1 triệu đồng một tháng, ông nói. Người đàn ông này không quan ngại về bất bình đẳng chủ yếu vì ông không nhận thức được khoảng cách giàu nghèo lớn trong xã hội Việt Nam hiện đại.
 
Câu trả lời của ông cũng phù hợp với những kết luận trong báo cáo điểm lại gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), dựa trên khảo sát nhận thức về bất bình đẳng do WB và Viện Khoa học lao động và Xã hội thực hiện năm 2013. Theo báo cáo, người Việt Nam ở nông thôn ít quan ngại về bất bình đẳng vì họ nhận thấy khoảng cách giàu nghèo khá hẹp. Ngược lại, người dân đô thị - nhất là những người trẻ tuổi và những người có được thông tin qua tivi và Internet - có thể thấy được khoảng cách lớn hơn và họ tỏ ra quan ngại hơn về bất bình đẳng. Báo cáo của WB cho thấy trên ¾ người dân đô thị coi bất bình đẳng là một vấn đề.
 

Nhưng thực tế là tỉ lệ tăng bất bình đẳng tổng thể trong 20 năm qua tương đối thấp. Thu nhập bình quân của nhóm 40% dân số có thu nhập thấp nhất - một chỉ tiêu của WB về “chia sẻ thịnh vượng” - tăng 9% mỗi năm kể từ năm 1993, một trong những tỉ lệ cải thiện về phúc lợi cao nhất so với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Nhưng nói gì thì nói, Việt Nam ngày nay đang phải đối mặt với hai quan ngại khác nhau về bất bình đẳng. 

Thứ nhất là bất bình đẳng về cơ hội vẫn tồn tại. Quan ngại thứ hai, cả ở Việt Nam và trên thế giới, là sự gia tăng bất bình đẳng trong nhóm thu nhập cao nhất. Những người trả lời khảo sát tại Việt Nam của chúng tôi thường tỏ ra lo ngại về bất bình đẳng hơn khi họ cho rằng người giàu tích tụ của cải qua các hành vi thiếu chính đáng hoặc do quan hệ gia đình. Dữ liệu còn hạn chế về những người giàu có nhất cho thấy khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế theo định hướng thị trường, số người rất giàu đã tăng mạnh. 

Theo một ước tính, số người siêu giàu - có tài sản trên 30 triệu USD - tăng gần bốn lần trong mười năm qua. Tuy nhiên, phân tích của chúng tôi cho thấy, số lượng người siêu giàu tại Việt Nam hay mức tăng về số lượng đó không có gì quá lớn so với xu hướng chung trên toàn thế giới. Số lượng người siêu giàu tại Việt Nam tương đương với số lượng tại các quốc gia có cùng mức thu nhập như Việt Nam.

Vậy, Chính phủ nên phản ứng ra sao? Tôi cho rằng trọng tâm chính sách hợp lý là tập trung giải quyết những trở ngại đối với bình đẳng về cơ hội. Khảo sát về nhận thức của chúng tôi cho thấy bất bình đẳng về cơ hội được coi là hình thức bất bình đẳng đáng lo ngại nhất tại Việt Nam, đặc biệt ở nông thôn và người nghèo. Việt Nam nên nỗ lực để đảm bảo rằng mỗi đứa trẻ người Việt Nam phải có cơ hội như nhau trong cuộc sống, bất kể hoàn cảnh sinh ra chúng là gì.
 
Theo báo cáo, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định: Lạm phát giảm, cải thiện tài khoản đối ngoại và ổn định thị trường ngoại hối. Tăng trưởng GDP năm 2014 dự báo ở mức khiêm tốn khoảng 5,4%, do có sự hỗ trợ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế tạo vẫn mạnh. Bên cạnh đó, cầu trong nước của Việt Nam vẫn còn yếu do lòng tin của khu vực tư nhân chưa đủ mạnh, tỉ lệ nợ trên vốn của các DNNN và tỉ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại còn cao, dư địa tài khoá bị thu hẹp.

Báo cáo khuyến nghị: Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về khả năng cạnh tranh. Để khôi phục tiềm năng tăng trưởng trung hạn đòi hỏi phải đẩy mạnh quan tâm đến những cải cách cơ cấu - tập trung vào tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng trong nước, đồng thời xoá bỏ những rào cản đối với đầu tư tư nhân trong nước.
 

Theo G.DEMOMBYNES

Lao động 

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *