“Cân đo” hơn – mất khi giá dầu suy giảm

FICA – Theo VEPR, về dài hạn, nếu giá dầu tiếp tục ở mức thấp, các ảnh hưởng tiêu cực sẽ giảm dần do Việt Nam có cơ sở kinh tế đa dạng hơn và không còn phụ thuộc nhiều vào ngành dầu khí như 2 thập niên trước

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội, xu hướng vận động của giá dầu thô là một tâm điểm chú ý trong quý IV/2014.

Theo đó, giá dầu giảm 10% trong quý III, gần như rơi tự do trong quý IV khi mất tiếp 40%. Giá dầu giao ngay vào ngày cuối cùng của năm 2014 chỉ còn 55 USD/thùng, bằng một nửa so với mức cao nhất 114 USD/thùng vào tháng 6. Các dự báo bi quan nhất cho rằng giá dầu có thể xuống thấp nhất tại mức 40 USD/thùng trước đi đảo chiều đi lên và ổn định ở một mức giá cân bằng cao hơn. Có nhiều suy đoán về nguyên nhân giảm sâu của giá dầu.

VEPR cho biết, về kinh tế, tăng trưởng suy giảm tại châu Âu và Nhật dự báo nhu cầu sẽ suy giảm trong khi nguồn cung tăng tại Mỹ, Iran và Lybia. Về tiền tệ, sự thu lại chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ ảnh hưởng tới giá hàng hoá cơ bản toàn cầu.

Phần lớn dự báo về kinh tế toàn cầu đều phản ánh quan điểm kém tích cực hơn trước. Nhiều định chế tài chính hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế chủ chốt trong năm 2014 và 2015 từ 0,1 đến 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đầu năm 2014. Kinh tế Mỹ có thể có một số điều chỉnh nhất định nếu lãi suất tăng. Triển vọng hồi phục của Nhật và châu Âu chưa định hình rõ ràng trong bối cảnh chính sách không quyết liệt.

Theo VEPR, bối cảnh này đặt các nền kinh tế mới nổi đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn hơn. Triển vọng kinh tế toàn cầu đều có thể có lợi nhất định đối với hàng hoá giá rẻ sản xuất tại Việt Nam, ví dụ như dệt may, da giầy, và điện thoại. Các ảnh hưởng lên thương mại và đầu tư có thể đến từ các nền kinh tế mới nổi ở ASEAN, Mỹ La tinh, Nam Á có trao đổi thương mại lớn với châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc và ở nấc thang giá trị cao hơn Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, với sự suy yếu của Nga và đồng RUB sẽ ảnh hưởng tới ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ có lợi trong các hợp đồng nhập khẩu được kí bằng đồng RUB, cũng như với Yên và EUR, do đồng tiền này mất giá.

Ảnh hưởng của giá dầu tới thu Ngân sách

Liên quan đến nguồn thu ngân sách (NSNN). Theo nhận định của VEPR, giá dầu giảm mang lại tác động trái chiều cho ngân sách. Thu từ dầu khí, vốn chiếm 12% ngân sách, dự tính sẽ giảm đáng kể. Một ước tính chỉ ra giá dầu giảm 20% thì ngân sách thất thu khoảng 4%, và với mỗi 1 USD giảm trong giá dầu thì NSNN hụt 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, một phần ba giá xăng là các khoản phí, thuế và quỹ bình ổn giá, thì với mức giảm giá xăng trong năm 2014 thì NSNN sẽ giảm thu gần 2.600 đồng mỗi lít xăng.

Ngược lại, người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi từ giá xăng dầu thấp; do đó, tiêu dùng và kinh doanh cải thiện sẽ gia tăng thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy vậy, nếu mức tăng thu từ tiêu dùng và sản xuất không đủ bù đắp giảm thu từ dầu khí, thâm hụt ngân sách gia tăng và chính phủ có thể sẽ cân nhắc tăng thuế trong năm sau. Do vậy, tiết chế chi tiêu công là một cách tái cân đối ngân sách mà không làm ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và tiêu dùng.

Cũng theo phân tích của VEPR, mức giảm thu ngân sách từ xăng dầu có thể được bù đắp dần bởi mức gia tăng trong thuế tiêu dùng và thuế thu nhập doanh nghiệp do gia tăng cường độ của các hoạt động kinh tế nhờ chi phí sản xuất giảm. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, ảnh hưởng tiêu cực từ suy giảm giá dầu tới nền kinh tế sẽ vượt qua các ảnh hưởng tích cực do độ trễ trong điều chỉnh kì vọng và hành vi của các thành phần kinh tế.

Về dài hạn, nếu giá dầu tiếp tục ở mức thấp, các ảnh hưởng tiêu cực sẽ giảm dần do Việt Nam có cơ sở kinh tế đa dạng hơn và không còn phụ thuộc nhiều vào ngành dầu khí như 2 thập niên trước. Theo khẳng định của nhóm nghiên cứu, với đà phát triển hiện tại, Việt Nam sẽ tiếp tục là nước nhập khẩu ròng năng lượng ở dạng dầu nên giá dầu thấp sẽ có lợi nhiều hơn hại.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *