Hội nghị quan chức cao cấp APEC: Đề cao vai trò doanh nghiệp vừa và nhỏ

FICA- Một trong 4 nội dung được đề xuất ưu tiên chính, xuyên suốt hợp tác APEC trong năm 2015 chính là tăng cường sự tham gia của Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vào kinh tế khu vực và toàn cầu.

Theo thông tin từ Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), Hội nghị các Quan chức Cao cấp APEC lần thứ nhất (SOM 1) và các sự kiện có liên quan năm 2015 đã được tổ chức từ ngày 27 /1 đến ngày 7/2 năm 2015, tại thành phố Clark, Philippines, nhằm triển khai các kết quả của Hội nghị Cấp cao (HNCC) APEC lần thứ 22 và xây dựng chương trình công tác cho năm 2015.

Đoàn Việt Nam tham dự SOM 1 có sự tham gia của các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Văn phòng UBQG về HTKTQT.

Philippines - chủ nhà của APEC năm 2015, đã xác định chủ đề chính cho APEC là: “Xây dựng các nền kinh tế đồng đều, thiết lập một thế giới tốt đẹp hơn” (Building inclusive economies, building a better world), với 4 nội dung ưu tiên chính, xuyên suốt hợp tác APEC trong năm 2015, bao gồm: (1) Thúc đẩy chương trình nghị sự Hội nhập kinh tế khu vực (REI); (2) Tăng cường sự tham gia của Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vào kinh tế khu vực và toàn cầu; (3) Đầu tư phát triển nguồn nhân lực; và (4) Duy trì xã hội bền vững và tự cường.

Về nội dung ưu tiên thứ nhất, một số đề xuất chính là “Ủng hộ Hệ thống thương mại đa phương” của Canada và nội dung về “APEC và Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại của WTO” của Hoa Kỳ đã được đa số thành viên APEC ủng hộ, nhằm tái khẳng định quyết tâm từ trước tới nay của APEC trong các nỗ lực ủng hộ Hệ thống thương mại đa phương nói chung và WTO nói riêng.

Về nghiên cứu chung của APEC về viễn cảnh thành lập Khu vực Mậu dịch Tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) sau khi hoàn thành mục tiêu Bogo, SOM 1 đã thống nhất thành lập Nhóm đặc trách, bao gồm 21 thành viên APEC. Nhóm đặc trách sẽ chịu trách nhiệm dự thảo Điều khoản tham chiếu của Nhóm (TOR).

Ngoài ra bên lề SOM 1, New Zealand đã chủ trì cuộc họp nhằm rà soát tiến độ thực hiện việc giảm thuế xuống còn 0-5% đối với 54 mặt hàng trong Danh mục Hàng hóa Môi trường (EG) của APEC. Đối với Việt Nam, hiện đã có 52/54 mặt hàng có mức thuế suất từ 5% trở xuống và đang còn 4 dòng thuế, mã HS 8 số với mức thuế MFN năm 2014 là 10%. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, Ngành liên quan để hoàn thành nghĩa vụ của Việt Nam trong APEC về nội dung này.

Trong khuôn khổ ưu tiên thứ hai, “Tăng cường sự tham gia của Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vào kinh tế khu vực và toàn cầu”, đáng chú ý là đề xuất của chủ nhà Philippines về “Hướng tới Kế hoạch hành động hợp tác tăng cường sự tham gia của DNNVV vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu”, với mục tiêu tổng thể nhằm cải thiện tỷ lệ xuất khẩu của khu vực DNNVV vào năm 2020. Đề xuất này được các thành viên APEC ủng hộ về nguyên tắc và sẽ tiếp tục góp ý cho Philippines để hoàn thiện và thông qua.

Nội dung đầu tư phát triển nguồn nhân lực được APEC nhất trí thúc đẩy thông qua: (i) hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô về tạo việc làm; (ii) thúc đẩy hợp tác giáo dục xuyên biên giới; (iii) đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên và phụ nữ; (iv) đào tạo và tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật, v.v... Trong ưu tiên hợp tác này, các thành viên trong đó có Việt Nam tái khẳng định ủng hộ mạnh mẽ Chiến lược mới của APEC về Cải cách cơ cấu (ANSSR) với 5 trụ cột chính bao gồm mở rộng các cơ hội thị trường lao động, đào tạo, giáo dục và tạo cơ hội cho phụ nữ và nhóm dễ bị tổn thương.

Về nội dung “Duy trì xã hội bền vững và tự cường”, Philippines đề xuất trong năm 2015, APEC tăng cường hợp tác duy trì xã hội bền vững và tự cường thông qua một loạt các hoạt động và sáng kiến cụ thể như: (i) Đối thoại chính sách Thúc đẩy các sản phẩm đóng góp vào tăng trưởng đồng đều và bền vững thông qua phát triển nông thôn và xóa nghèo;(ii) Tăng cường tính đàn hồi của chuỗi cung ứng trước thiên tai; (iii) Đô thị hóa và các thành phố bền vững, v.v... Nhìn chung, các thành viên APEC bày tỏ ủng hộ đối với nội dung duy trì xã hội bền vững và tự cường, hướng tới thực hiện thành công Chiến lược tăng trưởng đã được các Nhà lãnh đạo APEC thông qua tại Yokohama, Nhật Bản năm 2010.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *