Quốc tế 02/10/2023 15:35

Khu vực được coi là 'động cơ' tăng trưởng toàn cầu nhận 'gáo nước lạnh' từ WB

Theo WB, mặc dù các nền kinh tế thuộc khu vực phía Đông châu Á phần lớn đã hồi phục sau một loạt các cú sốc kể từ năm 2020, bao gồm cả đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới sẽ chậm lại.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất công bố ngày 2/10, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng của nhóm các quốc gia khu vực phía Đông châu Á và Thái Bình Dương, xuất phát từ thực trạng đà tăng trưởng chậm của Trung Quốc và nhu cầu toàn cầu yếu. 

Theo đó, WB kỳ vọng các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tăng trưởng 5% trong năm 2023, thấp hơn 0,1% so với nhận định cách đây 6 tháng. Còn trong năm 2024, kinh tế khu vực này được dự báo tăng trưởng chỉ 4,5%, thấp hơn nhận định 4,8% trong báo cáo hồi tháng 4. 

Đối với nền kinh tế lớn nhất khu vực - Trung Quốc, WB kỳ vọng tăng trưởng của nước này không thay đổi trong năm nay ở ngưỡng 5,1% nhưng hạ dạ báo cho năm 2024 từ 4,8% xuống còn 4,4%. Cơ quan này nhấn mạnh vào những yếu tố cấu trúc có ảnh hưởng dài hạn, tỷ lệ nợ công cao và cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản. 

WB hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 của nhóm các nền kinh tế đang phát triển Đông Á

Dù các nền kinh tế thuộc khu vực phía Đông châu Á phần lớn đã hồi phục sau một loạt các cú sốc kể từ năm 2020, bao gồm cả đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới sẽ chậm lại. Đà gia tăng nợ công, đặc biệt là nợ doanh nghiệp tại các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam, là một trong những nguyên nhân chính kéo giảm tốc độ phát triển. 

Theo cảnh báo của WB, nợ công cao sẽ hạn chế nguồn vốn đầu tư công cũng như tư nhân. Lãi suất đi vay cũng sẽ tăng cao qua đó ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế và kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong khi đó, chi tiêu hộ gia đình trong khu vực hiện vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước đại dịch. 

Tình hình không mấy khả quan hơn tại Trung Quốc khi giá nhà liên tục sụt giảm, tăng trưởng thu nhập hộ gia đình thấp trong khi tâm lý thận trọng khiến người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ hộ gia đình cao và một số yếu tố cấu trúc khác như dân số già hóa, cũng đang ảnh hưởng trực tiếp tới triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới và rộng hơn là toàn khu vực. 


 

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *