Quốc tế 02/10/2023 09:22

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc lần đầu tăng trưởng sau 6 tháng

Kết quả trên làm dấy lên hy vọng giai đoạn khó khăn nhất đối với nền kinh tế số hai thế giới đã ở lại phía sau.

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc ghi nhận tháng tăng trưởng đầu tiên trong gần nửa năm qua, làm dấy lên hy vọng giai đoạn khó khăn nhất đối với nền kinh tế số hai thế giới đã ở lại phía sau. 

Theo đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Cục Thống kê quốc gia trung Quốc, dựa trên kết quả khảo sát đối với các doanh nghiệp sản xuất lớn, tăng từ 49,7 điểm vào tháng 8 lên 50,2 điểm trong tháng 9. Đây là lần đầu tiên chỉ số này cao hơn mốc trung lập 50 điểm (giúp phân định hai xu hướng tăng và giảm) kể từ tháng 3/2023. 

Chưa dừng lại ở đó, chỉ số PMI phi sản xuất (bao gồm lĩnh vực xây dựng và dịch vụ) cũng “tăng tốc” trong tháng 9 khi leo từ 51 lên 51,7 điểm. Chỉ số PMI tổng hợp (bao gồm cả sản xuất và phi sản xuất) cũng tăng từ 51,3 điểm lên 52 điểm trong tháng vừa qua.  

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục phát tín hiệu phục hồi

Ngoài PMI, một số tín hiệu tích cực đối với kinh tế Trung Quốc bắt đầu xuất hiện thời gian qua với sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ đều “tăng tốc” trong khi tốc độ sụt giảm kim ngạch thương mại chậm lại. Lợi nhuận các doanh nghiệp sản xuất tăng trưởng “bất ngờ” tới 17,2% trong tháng 8, đảo ngược mức giảm 6,7% của tháng 7. Trong khi đó, áp lực giảm phát cũng không còn quá dữ dội như vài tháng trước. 

“Chỉ số PMI sản xuất, bên cạnh đó là một số dữ liệu tích cực khác, phản ánh thực tế đà suy giảm nền kinh tế đã chạm đáy”, Zhou Hao, Kinh tế trưởng tại Công ty chứng khoán Guotai Junan International, nhận định.

Tuy nhiên, xu hướng phục hồi vẫn chưa rõ nét. 

Chỉ số PMI Caixin/S&P lĩnh vực sản xuất lại sụt giảm từ 51 điểm xuống 50,6 điểm trong tháng 9, thấp hơn dự báo 51,2 điểm của giới chuyên gia. 

Khảo sát trên cho thấy sản lượng sản xuất và số lượng đơn hàng mới tiếp tục gia tăng trong tháng vừa qua nhưng nhu cầu hàng hóa từ nước ngoài vẫn tương đối yếu với số lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm tháng thứ ba liên tiếp. 

Niềm tin chủ doanh nghiệp đối với triển vọng kinh tế 12 tháng tới giảm xuống ngưỡng thấp nhất một năm, khiến nhiều đơn vị phải cắt giảm nhân sự. Trong khi đó, chi phí đầu vào lại gia tăng với tốc độ nhanh nhất từ đầu năm do giá nguyên vật liệu như hóa chất, dầu thô và kim loại,.... đều đi lên trong cùng giai đoạn. 

“Đà phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa tìm được nền tảng vững chắc với nhu cầu nội địa chưa cải thiện nhiều trong khi nhu cầu từ nước ngoài yếu. Thị trường lao động vẫn chịu áp lực lớn với minh chứng tỷ lệ thất nghiệp người trẻ cao”, Wang Zhe, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Caixin Insight Group, chia sẻ. 


 

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *