Tiền và Hàng 11/09/2014 07:45

Vì sao khách không kiện hàng không vì chậm, hủy chuyến?

Dự thảo nâng mức bồi thường cho hành khách khi hoãn, hủy chuyến bay của Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Chưa nhiều người nghĩ đến việc khởi kiện các hãng hàng không vì hoãn, hủy chuyến bay. Ảnh: TL

Chưa nhiều người nghĩ đến việc khởi kiện các hãng hàng không vì hoãn, hủy chuyến bay. Ảnh: TL

 

Hầu hết hành khách đều ghi nhận động thái tích cực từ chính sách này. Tuy nhiên, mức bồi thường được điều chỉnh vẫn còn bất cập so với thiệt hại thực tế của hành khách. Trong lúc đó, việc khởi kiện các hãng hàng không đòi bồi thường rất trần ai và chưa có nhiều người nghĩ đến. 
 
Thông tư mới sẽ trình Bộ GTVT xem xét ban hành thay cho Quyết định 10/2007/QĐ-BGTVT về việc bồi thường chậm, hủy chuyến đang có hiệu lực.
 
Theo dự thảo, với chuyến bay nội địa bị hủy hoặc chậm hơn 4 giờ so với lịch khởi hành dự kiến có mức đền bù là 200.000 đồng, nếu tuyến bay có độ dài dưới 500 km; bồi thường 300.000 đồng đối với tuyến bay có độ dài từ 500 km đến dưới 1.000 km. Tuyến bay có độ dài từ 1.000 km, khách được bồi thường 400.000 đồng/người.  
 
Như vậy, mức đền bù mới do Cục Hàng không đề xuất tăng 100.000 đồng so với hiện hành.
 

Riêng các chuyến bay quốc tế vẫn giữ nguyên mức bồi thường vì Cục Hàng không cho rằng chi phí được tính bằng USD nên yếu tố trượt giá không lớn. Mức bồi thường hoãn, hủy chuyến đối với đường bay quốc tế đang áp dụng hiện nay là 25 USD/người với tuyến bay dưới 1.000 km, 50 USD/người với tuyến bay từ 1.000 - 2.500 km…. và mức cao nhất đối với tuyến bay có độ dài từ 5.000 km trở lên có mức bồi thường là 150 USD/người.

“Từ trước đến nay, việc bồi thường chỉ mang tính chất tượng trưng. Đến nay với mức tăng như vậy, chỉ càng gây thêm bức xúc”-ông Nguyễn Trường Thành, chủ một doanh nghiệp tại TP.HCM nói. 
 
Do đặc thù công việc, ông Thành thường xuyên phải di chuyển theo đường hàng không đi khắp nơi trên cả nước. Việc chậm, hủy chuyến bay với ông là như “cơm bữa”. Tất nhiên, thiệt hại của việc chậm hủy chuyến là không nhỏ.
“Là một doanh nghiệp lớn, chỉ cần người đứng đầu chậm lễ ký hợp đồng hoặc trực tiếp chỉ đạo việc kinh doanh, thiệt hại là rất lớn”-ông Thành khẳng định. 
 
Số tiền thiệt hại, thậm chí có thể lên đến hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, lâu nay tâm lý chung của người sử dụng dịch vụ hàng không là dĩ hòa vi quý, thông cảm cho nhau là chính. Hành khách vì vậy thường nhận phần thiệt thòi vì mình.
 
“Không chỉ làm ăn kinh doanh, chỉ cần khách du lịch nếu bị hoãn chuyến, chậm chuyến cũng đã thiệt hại rất lớn rồi”-ông nói. Vì vậy, việc tăng tiền bồi thường ở mức mới cũng không thể bắt kịp thiệt hại thực tế.
 
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, điều hành hãng luật Giải Phóng phân tích: "Lâu nay, khi đi máy bay, vì tính chất đặc thù của nó, nhiều người dân ngộ nhận rằng mình có quan hệ phụ thuộc vào hãng hàng không, tức chỉ biết tuân theo sự chỉ dẫn, thông báo …ít khi nghĩ đến sự phản đối hay khiếu nại. 
 
Nhưng thực chất đó là quan hệ giao dịch dân sự thông thường, giữa một bên là doanh nghiệp vận chuyển hàng không và một bên là hành khách. Nên khi một bên vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận thì bên còn lại có quyền khiếu nại, khởi kiện căn cứ theo quy định của pháp luật".
 
Tuy nhiên, có một thực tế là việc khởi kiện các hãng hàng không gây chậm, hủy chuyến gần như chưa có tiền lệ. 
 
Theo ông Hưng, có hai nguyên nhân chính. Trước hết là thái độ dễ dãi của chính hành khách. Sự thiếu khắt khe của người sử dụng dịch vụ vô tình tạo điều kiện cho các hãng hàng không lơ là trách nhiệm. Sau nữa là các yếu tố pháp lý phức tạp, khiến khách hàng e ngại.
 

Theo Kiến Giang

Một thế giới

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *