Đầu tư 11/09/2014 08:16

Làm gì để có những "Điện Biên Phủ" về kinh tế?

Theo Ts. Vũ Minh Khương, phải xem đặc khu như những địa bàn quyết chiến chiến lược để phát triển của đất nước, giống như một Điện Biên Phủ về kinh tế.

Nhà báo Việt Lâm: Ông đã nhiều lần nhấn mạnh các giải pháp cải cách phải được thử nghiệm trước. Chúng ta phải dám chấp nhận thử nghiệm, thử nghiệm xong phải có tổng kết. Ở đây, tôi muốn bàn thêm về đề xuất của nhiều chuyên gia, và Chính phủ cũng đang nghiên cứu áp dụng thí điểm, đó là thành lập một số đặc khu kinh tế. Tôi nhớ là ông cũng đã từng kiến nghị về mô hình này trong các bài viết của mình. Trên thực tế, các nước ở Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc đã triển khai rất thành công mô hình đặc khu kinh tế, biến những nơi này thành đầu kéo cho sự phát triển của cả nền kinh tế. Ông đánh giá thế nào về mô hình đang được áp dụng ở VN hiện nay?

Ts. Vũ Minh Khương: Thực ra VN chưa có đặc khu kinh tế nào cả, nếu so sánh với đặc khu kinh tế ở Singapore, nơi cả quốc đảo này là một đặc khu kinh tế, hay những đặc khu ở Hàn Quốc, Trung Quốc. Ở mình, đặc khu vẫn được hiểu theo dạng được miễn thuế, hoặc cho phép triển khai một số hoạt động rất đặc thù chưa được luật pháp cho phép như mở casino, hay là được nhà nước trợ cấp về cơ sở, hạ tầng. Dĩ nhiên, đây là những yếu tố mang tính nền tảng nhưng nhìn chung chưa phải là đặc trưng của đặc khu kinh tế thời đại toàn cầu hóa này.

Vấn đề đặt ra đối với VN hiện nay là phải xây dựng được những đặc khu như những đơn vị kinh tế tương đối độc lập, có thể lên tới một vài triệu dân với bộ máy ưu tú đạt tiêu chuẩn toàn cầu, tức là có thể chinh phục được tất cả tập đoàn kinh tế quốc tế để họ yên tâm đến đó lập đại bản doanh. Khi ấy, chúng ta không còn phải lo ngại vấn đề chuyển giá nữa. Thay vì họ chuyển sang nước khác, họ có thể làm tại VN, mà VN có cơ hội để trở thành tụ điểm toàn cầu và châu Á, thuận lợi hơn cả ở những nước khác do VN có lực lượng lao động đông đảo với chi phí thấp. Nhiều nước cũng muốn có mặt ở địa bàn chiến lược này. Bản chất đặc trưng cao nhất của đặc khu kinh tế không phải là chuyện miễn thuế, mà là có một bộ máy ưu tú và có thể cạnh tranh với tất cả bộ máy trên thế giới. Đấy cũng là tụ điểm để quy tụ nhân tài, xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế.Các địa phương phải coi trọng đặc khu này là một điểm quyết chiến chiến lược để xoay chuyển cục diện phát triển cho cả nước chứ không phải tỉnh nào cũng xin một đặc khu mang tính chất ưu đãi.Phải xem các đặc khu như một Điện Biên Phủ để đưa đất nước cất cánh. Tư duy như thế thì cái gì hay nhất của VN phải kéo ra đấy. Đặc khu khi đó sẽ giống như một trường đào tạo lớn về mặt chiến lược và cán bộ.

Việc chọn địa bàn nào, ví dụ như Khánh Hòa hay ở đâu đó là điều chúng ta phải bàn tiếp. Vấn đề là giao trách nhiệm cho địa bàn này có thể tăng trưởng nhanh chóng 15%-20%/năm, đặt mục tiêu đuổi kịp Singapore trong vòng ba mươi năm.Đến năm 2045 VN phải có một nơi ít nhất ngang được Singapore.

Việt Lâm:Tôi nghĩ việc lựa chọn đặc khu kinh tế như thế nào phải dựa trên hệ tiêu chí rõ ràng. Bởi nếu không, sẽ có những va vấp về lợi ích, rồi rào cản từ chủ nghĩa địa phương. Các địa phương sẽ than phiền tại sao tỉnh này được chọn làm đặc khu mà không phải tỉnh tôi, rồi họ tìm cách gây áp lực với trung ương. Chúng ta đã từng chứng kiến những câu chuyện tương tự như thế rồi. Thành ra mới có chuyện nhiều khi các quyết định đầu tư không hoàn toàn dựa trên các nguyên lý và tính hiệu quả về kinh tế, mà bị chi phối bởi các nhân tố chính trị.Ví dụ nhãn tiền là tỉnh nào cũng đòi xây cảng, xây sân bay, dẫn đến tình trạng lãng phí lớn.Theo ông, hệ tiêu chí như thế nào để thuyết phục mọi người?

Ts. Vũ Minh Khương: Cái này tôi không trách địa phương mà trách ở TƯ. Phải nói một cách nghiêm khắc như vậy.Vì tôi đã từng làm ở UBND Hải Phòng nên tôi biết, địa phương nào cũng sợ nếu mình không tranh cái này thì người khác tranh mất.Bởi vì họ xem đó là những ưu đãi, giống như miếng bánh vậy, nên phải tranh giành.Ở đây có sự thiếu vắng cả xúc cảm, khai sáng và phối thuộc.

Nếu coi trọng đặc khu kinh tế như một địa bàn mà thành công sẽ đem lại lợi ích cho cả nước một cách nhanh chóng, thì câu chuyện sẽ khác đi. Chính vì cơ chế ưu đãi theo kiểu bao cấp nên mới đưa ra thông điệp sai lầm khiến cho các tỉnh, các doanh nghiệp chạy đua làm ra những hành động rất vô công. Từng là người trong cuộc, tôi rất thấm thía điều này.

Thay vì vậy, chúng ta có thể thảo luận công khai về việc lựa chọn địa bàn chiến lược. Chẳng hạn chúng ta đưa ra một danh sách dự kiến điểm A,B,C nào đó. Ai đưa ra ý tưởng hay thì được làm.Đồng thời địa bàn đó phải đáp ứng yêu cầu về hạ tầng cơ sở xây dựng. Chính phủ sẽ không phải rót tiền vào, mà áp dụng nguyên tắc thuế thu được ngoài nộp ngân sách một phần nhỏ thôi, địa phương được phép giữ lại để đầu tư phát triển.

Chẳng hạn như nếu để bình thường thì sẽ được lãi x đồng, vẫn để lại cho chính phủ x đồng nhưng đột phá nó lên 100x thì 99x đó để lại cho vùng đó để phát triển nhanh chóng trở thành một Singapore.Singapore chỉ trong vòng mấy chục năm đã tạo ra giá trị thặng dư là 400-500 tỉ USD để dành cho các khu vực khác.Như thế, đặc khu sẽ giống như con gà đẻ trứng vàng cho cả nước, chứ không phải là tôi giành miếng bánh của một đất nước nghèo như thế này cho mình. Hiện giờ vẫn đang tồn tại tư duy giành giật ưu đãi, do vậy Chính phủ cần xem lại cách thức bàn thảo, xây dựng chiến lược và đặc khu kinh tế.

Vũ Minh Khương, kinh tế
TS Vũ Minh Khương, Ảnh: Lê Anh Dũng

Việt LâmĐiều đó có nghĩa là phải truyền thông rõ ràng đến các lãnh đạo địa phương cũng như trong cả nước hiểu được.Tôi nghĩ vấn đề quan trọng là chính sách điều tiết lợi ích của chính quyền trung ương.Cách làm của Trung Quốc có thể gợi mở đôi điều về chính sách này chẳng hạn. Trước kia, họ tập trung phát triển các đặc khu kinh tế ở vùng duyên hải phía đông. Hiện nay, sau khi những con gà đẻ trứng vàng này đã mang lại sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục thì họ điều tiết nguồn doanh thu từ đó sang phát triển vùng nội địa phía Tây lạc hậu hơn. Nhờ vậy, vùng phía Tây này đang có những bước phát triển mạnh mẽ.

Ts. Vũ Minh Khương:Phát triển đặc khu kinh tế đúng là liên quan đến vấn đề phân phối lợi ích. Tuy nhiên, vấn đề thứ hai cũng rất quan trọng là hỗ trợ phải mang tính chất, điều kiện là anh phải có tài đặc biệt. Giống như các trường đại học muốn tự chủ cũng phải đạt được đẳng cấp nào đó mới tự chủ được chứ.

Tự chủ phải đi kèm với cơ chế và năng lực để mang lại những hành vi hữu công, hành vi tốt. Cởi trói là tốt nhưng nếu cởi trói mà thiếu một cơ chế để có hành vi lành mạnh thì có khi lại lợi bất cập hại. Điều đó đòi hỏi phải có cơ chế giám sát về hệ thống chấm điểm chặt chẽ.

Đối với đặc khu kinh tế cũng tương tự như vậy, phải có những điều kiện rất ngặt nghèo. Chẳng hạn bộ máy của anh có thu hút được người tài hay không? Nếu anh tạo ra được một bộ máy một trăm người mà thông thạo thế giới, giải quyết được các vấn đề đấy, đặt ra thì chúng tôi sẵn sàng cho anh mở đặc khu, sẵn sàng cho anh các ưu đãi.

Ngày trước khi tôi đã làm ở Hải Phòng, nhiều người lầm tưởng là cứ xin được cơ chế ưu đãi của Chính phủ sẽ hút được nhiều người về. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy. Chính phủ phải mở ra điều kiện nếu địa phương nào có thể quy tụ được người giỏi, đủ khả năng xây dựng một đặc khu kinh tế có đẳng cấp và có lịch trình để tạo ra thịnh vượng trước thì cho phép được hưởng những cơ chế đặc biệt.

Việt Lâm: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh từng phát biểu rằng muốn làm đặc khu kinh tế thì phải có đột phá về thể chế. Những cơ chế dành cho đặc khu rất đặc biệt nêu muốn làm phải được bật đèn xanh từ Trung Ương?

Ts. Vũ Minh Khương: Đúng vậy. Tôi nghĩ phải có nghị quyết lớn mang tính chất trọng đại về công cuộc phát triển của VN tiến tới 100 năm độc lập. Tôi hi vọng trong thời gian tới người đứng đầu Chính phủ sẽ có một thông điệp như thế cùng một chương trình hành động cụ thể đề xuất lên Trung ương. Trung ương họp và thông qua để cả nước có sự thống nhất về ý chí. Ý tưởng thì có rất nhiều, mỗi người có thể khác nhau nhưng nếu tất cả cùng chung chí hướng thì sẽ tìm ra được nhiều giải pháp đa dạng và sáng tạo để đất nước đi lên.

Việt Lâm: Tức là mấu chốt câu chuyện quay trở về khả năng phối thuộc hành động?

Ts. Vũ Minh Khương: Khả năng phối thuộc hành động là điều mà VN khó vượt qua hiện nay. Xúc cảm và khai sáng có thể đạt được ở mức nào đó, kể cả ở cương vị Chính phủ, Đảng và Nhà nước. Nhưng khả năng phối thuộc đang là bài toán tôi chưa nhìn thấy lời giải.

Các sáng kiến vẫn làm theo kiểu cho vui

Việt Lâm: Thời gian qua, dường như Chính phủ cũng nhìn thấy sự yếu kém trong khả năng phối thuộc đang là điểm nghẽn lớn. Một số cơ quan Chính phủ đã đề xuất những cải cách để cải thiện khả năng phối thuộc. Chẳng hạn, mới đây Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đang kiến nghị xây dựng Ủy ban quản lý vốn của DNNN, hay trước đó là sáng kiến thành lập Ủy ban về Phát triển Kinh tế như một dạng siêu bộ. Tôi được biết là chính ông cũng tham gia vào việc xây dựng ủy ban năng lực cạnh tranh quốc gia, do một phó thủ tướng phụ trách. Vấn đề là, làm thế nào để những cơ cấu này có được thực quyền, vì chỉ như vậy chúng mới có hiệu quả? Nếu không, đây đều là những sáng kiến hay nhưng khó đi vào hiện thực.

Ts. Vũ Minh Khương: Thẳng thắn mà nói thì những đề xuất vừa rồi, ví dụ như sáng kiến xây dựng báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia chủ yếu khởi phát từ những gợi ý, của nước ngoài chứ chưa phải là những sáng kiến thực sự từ trong nước, toát ra ý chí, dân chủ từ trong Đảng, trong đất nước mà ra. Người Việt mình rất nhanh nhạy, giỏi nắm bắt những gợi ý của quốc tế. Nhưng tiếc là nắm bắt xong rồi để đấy chứ không xông xáo làm cho đến cùng. Nhiều khi chúng ta triển khai những ý tưởng do quốc tế gợi ý theo kiểu làm đẹp mặt cho vui thôi, chứ không làm với một ý chí sắt đá như Hàn Quốc.

Cho nên quay trở lại bài học về EEC, quốc tế giúp chúng ta khai sáng rồi, nhưng nếu thiếu đi cảm xúc mãnh liệt từ bên trong và một cơ chế phối thuộc hành động thì rất nhiều sáng kiến, đề xuất rơi vào tình trạng "đánh trống bỏ dùi".

Việt Lâm:Để tạo ra được cảm xúc từ bên trong thì áp lực từ bên ngoài cũng rất cần thiết?

Ts. Vũ Minh Khương: Chúng ta đang có cái áp lực đấy. Vấn đề là hiện giờ nó lại dịu xuống

Việt Lâm: Đúng là hiện thời có không ít quan ngại rằng mới đây chúng ta có đã có xúc cảm, khát khao thay đổi do áp lực bên ngoài rất mạnh. Bây giờ áp lực ấy dịu đi thì nhiều nguy cơ là ý chí thay đổi cũng nhạt đi hay không?

Ts. Vũ Minh Khương: Kinh nghiệm của những người lãnh đạo các nước thành công đặc sắc cũng như của những tập đoàn lớn cho thấy người lãnh đạo phải luôn tự cảm thấy mình đang đứng trước đòi hỏi thúc bách. Tức là họ phải thấy được trọng trách nặng nề lắm, riêng mình không thể gánh vác được. Giống như Quang Trung nói một cái cây không thể làm được nhà to, phải có nhiều người chung tay giúp sức. Hai là người lãnh đạo phải thấy rằng nếu có người tài đến giúp thì mang lại giá trị vô vàn hơn hàng nghìn người bình thường đến hầu hạ mình.

Sẽ rất nguy hiểm nếu như bây giờ chúng ta thấy tình hình dịu đi, thấy không có chuyện gì nghiêm trọng nữa và lại quay về những lề thói cũ. Phải thấy rằng áp lực đó có thể tạm dịu đi trong tức thời, nhưng sẽ đẻ ra nhiều bức xúc hơn trong tương lai. Mà những bức xúc này không chỉ đến từ bên ngoài tác động mà xuất phát từ ngay nội tại, bởi vì chúng ta không xứng đáng với tiềm năng của dân tộc mình.

Chúng ta phải nhìn thấy bệnh này có thể dẫn đến ung thư, như nhiều nhà lãnh đạo lão thành đã từng phát biểu. Phải thấy đáng sợ như thế mới có quyết tâm làm. Martin có nói "sợ nhất những gì chết mà không làm mình chết", vẫn thấy có thể chung sống dễ dàng. Phải thấy đây là cơ hội cuối cùng để có cải cách căn bản.

Tôi rất mong những vấn đề băn khoăn hiện giờ sẽ được bàn luận thật thấu đáo, tìm giải pháp giải quyết triệt để trong những hội nghị sắp tới.

Việt Lâm: Vâng, đó cũng là lời kết cho cuộc đối thoại hôm nay. Mong rằng cuộc đối thoại cởi mở này sẽ mở đầu cho nhiều cuộc trò chuyện tiếp sau với các nhà lãnh đạo, các trí thức, chuyên gia để bàn luận thấu đáo những giải pháp giúp đất nước cất cánh trong tương lai. Xin cảm ơn ông Vũ Minh Khương

Theo Vietnamnet

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *