Góc nhìn 25/01/2021 09:27

Sức mạnh dân tộc là động lực kiến tạo

Tiềm năng lớn nhất mà Việt Nam còn chưa khai thác mạnh mẽ là sức mạnh của động lực kiến tạo.

Ông Vũ Minh Khương, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Điều này đòi hỏi phải xây dựng một bộ máy công quyền ưu tú ở các cấp chính quyền; đồng thời các doanh nghiệp cũng phải đưa ra chiến lược phát triển dựa hẳn vào nỗ lực đổi mới sáng tạo và nâng cấp hiệu lực quản trị và tổ chức doanh nghiệp.

Khi nói về thành công của một quốc gia, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn, người ta luôn nhìn vào ba trụ cột nền tảng của phát triển. Đó là xúc cảm dân tộc, tư duy khai sáng và năng lực kiến tạo.

Phải nói rằng, năm 2020 Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trên cả ba động lực này. Về xúc cảm dân tộc, chúng ta không chỉ thể hiện cao độ sức gắn kết và ý thức cao của toàn xã hội trong chống đại dịch mà còn biến tầm nhìn Việt Nam 2045 trở thành một động lực đổi mới mạnh mẽ chưa từng có.

Về tư duy khai sáng, Việt Nam đang đi ở hàng đầu với tốc độ nhanh trong hội nhập quốc tế và vươn lên trong kỷ nguyên số. Đặc biệt, việc hoàn tất hàng loạt hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA và việc đưa các quyết sách (Nghị quyết số 52-NQ/TW và Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư) về nắm bắt nắm bắt cuộc cách mạng số thể hiện một tư duy khai sáng có tầm thời đại.

Về năng lực kiến tạo, Việt Nam đang có những bước tiến ấn tượng, đặc biệt trong kiểm soát tham nhũng, hỗ trợ kinh tế tư nhân và đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, trong động lực này, Việt Nam còn phải phấn đấu nhiều mới có thể làm nên một công cuộc phát triển thần kỳ.

Tuy nhiên phải nhấn mạnh, nó chưa đủ đảm bảo là đất nước có thể tiến lên vượt bậc trong chặng đường phía trước nếu chúng ta không có những nỗ lực đặc biệt trong phát huy cao độ cả ba động lực - xúc cảm, khai sáng và kiến tạo - như đã nói ở trên.

Trong đó, nút thắt lớn nhất của chúng ta nằm ở năng lực kiến tạo. Chìa khóa để gỡ nút thắt này là xây dựng một bộ máy công quyền ưu tú, trong đó cải cách trên cả ba lĩnh vực, thể chế, tổ chức và nguồn nhân lực.

Về thể chế, cần tiếp tục thiết kế lại bộ máy chính phủ theo mô hình tổng lực và khai thác tối đa lợi ích của công nghệ số hiện nay, nâng cao tính minh bạch, khả năng phối thuộc mạch lạc của cả hệ thống chính trị.

Về tổ chức, cần tạo cơ chế để mỗi công chức đều "dốc lòng" phục sự người dân và doanh nghiệp, không chỉ vì ý thức trách nhiệm mà còn vì niềm tin là công lao của họ sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.

Về nguồn nhân lực, cần chú trọng tuyển chọn cán bộ với chú trọng vào năng lực thực chất thay vì bằng cấp. Tôi thấy ta nên tham khảo 4 tiêu chí mà Singapore sử dụng trong tuyển chọn cán bộ.

Đó là, tầm nhìn toàn cục (tư duy chiến lược), khát khao lập công, khả năng sáng tạo và tư duy thực tế.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần hiểu rõ là xúc cảm thái quá có thể làm suy yếu tính khai sáng. Khi đó, một vài thắng lợi ban đầu dễ tạo nên ảo tưởng và điểm mù chiến lược. Nó làm mất đi sự sáng suốt cần có, nhất là khi tình thế ngày càng trở nên phức tạp và biến động khôn lường.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *