Chứng Khoán 24/07/2020 07:00

Vàng tăng giá điên cuồng, rút tiền chứng khoán đi đầu tư?

Thanh khoản trên thị trường chứng khoán giai đoạn gần đây trong trạng thái lình xình, giao dịch “buồn ngủ”. Một nguyên nhân được cho là nhiều nhà đầu tư đang dồn tiền vào vàng để kiếm lời.

Tình hình thị trường trong phiên 23/7 trở nên tích cực hơn trong những phút cuối. Các chỉ số phục hồi: Trong khi VN-Index tăng 1,67 điểm tương ứng 0,2% lên 856,75 điểm thì HNX-Index thu hẹp đà giảm, mất 1,45 điểm tương ứng 1,26% còn 113,87 điểm và UPCoM-Index giảm 0,25 điểm tương ứng 0,44% còn 57,32 điểm.

Thanh khoản thị trường đạt mức thấp. Với 240,49 triệu cổ phiếu giao dịch, toàn sàn HSX thu hút được 3.863,15 tỷ đồng vào giải ngân mà cổ phiếu. Trên HNX, con số này là 39,29 triệu cổ phiếu tương ứng 353,79 tỷ đồng và trên UPCoM là 11,95 triệu cổ phiếu tương ứng 164,96 tỷ đồng.

Vàng tăng giá điên cuồng, rút tiền chứng khoán đi đầu tư? - 1

Top cổ phiếu có thanh khoản cao nhất thị trường diễn biến không mấy ấn tượng, phần lớn giảm giá

Vẫn còn 851 mã trên thị trường hoàn toàn tê liệt thanh khoản, không diễn ra giao dịch. Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm giá với 405 mã giảm, 34 mã giảm sàn trên cả 3 sàn giao dịch, áp đảo so với 287 mã tăng, 38 mã tăng trần.

Cổ phiếu lớn tiếp tục phân hoá. Trong rổ VN30 phân chia rõ rệt: 16 mã tăng, 12 mã giảm và 2 mã đứng giá tham chiếu. Chỉ số rổ này theo đó tăng 2,44 điểm tương ứng 0,31% lên 800,29 điểm.

Trong số này, SAB thiệt hại nặng nhất, mất 2.300 đồng còn 187.800 đồng/cổ phiếu. MSN, BID, ROS, BVH… đều giảm nhưng mức giảm không lớn; ngược lại, VNM, HPG, VIC, VJC đạt được trạng thái tăng.

GAS tăng giá tích cực, tăng 900 đồng lên 71.100 đồng; REE tăng 1.250 đồng lên 33.600 đồng; VHM tăng 1.300 đồng lên 78.800 đồng và VRE tăng 1.350 đồng lên 28.300 đồng.

Cặp cổ phiếu VHM và VRE tiếp tục là hai cổ phiếu có tác động đáng kể nhất lên chỉ số của thị trường. VHM mang lại 1,24 điểm cho VN-Index còn VRE cũng kéo giúp chỉ số tăng thêm 0,89 điểm.

Một số chuyên gia chứng khoán cho rằng, thị trường đang phân hoá và các chỉ số không thể bứt phá trên nền thanh khoản thấp.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt dòng tiền lớn được cho là xuất phát từ việc các nhà đầu tư (đặc biệt là thế hệ nhà đầu tư F0) đang tập trung kiếm lời ở thị trường khi vàng sốt giá, liên tục phá đỉnh. Dòng tiền lớn được kỳ vọng sẽ quay lại chứng khoán khi vàng hết sóng.

Thị trường vàng đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/7 với diễn biến tăng mạnh của giá vàng trong nước. Giá vàng trong nước hiện đã tiệm cận với mốc 55 triệu đồng/lượng.

Trong khi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 53,50-54,80 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra thì Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào-bán ra ở mức 53,35-54,35 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với đầu phiên giao dịch chiều 23/7.

Trở lại với triển vọng thị trường chứng khoán, theo Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường có thể còn biến động hẹp với thanh khoản thấp trong phiên tới. Đồng thời, dòng tiền tiếp tục phân hóa do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh quý 2/2020.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ đang khá nổi trội hơn so với nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn.

Theo Yuanta, mức hỗ trợ ngắn hạn cho VN-Index là 850 điểm và nhóm cổ phiếu lớn đang quay trở lại vùng quá bán cho nên các chuyên gia phân tích kỳ vọng lực cầu sớm gia tăng trong phiên tới ở nhóm cổ phiếu này. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư đang bi quan trở lại.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *