Tiền và Hàng 18/04/2015 08:14

Thương lái móc nối ép giá dưa hấu của nông dân vùng ngập lụt

Đó là nhận định của ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - về việc gần 150 tấn dưa của người dân địa bàn mót lại được sau đợt lũ vừa qua, nếu không có sự xuất hiện của các “hiệp sĩ” tình nguyện mua dưa ủng hộ bà con vùng lũ...

Thông thường vào mùa dưa những năm trước, lúc sắp đến kỳ thu hoạch, các thương lái sẽ chủ động liên hệ, đặt cọc trước tiền mua dưa của người dân. Đợt dưa vừa qua cũng vậy. Tuy nhiên, khi xuất hiện cơn lũ bất ngờ gây hư hại, các thương lái đã tìm đến người dân, đòi lại tiền cọc hay ép giá dưa phải giảm xuống một nửa giá thỏa thuận ban đầu.

Anh Nguyễn Hữu Đệ - người trồng dưa trên địa bàn xã Đại Minh - cho biết: ”Trước khi lũ xảy ra, thương lái đặt mua dưa của tôi giá 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, lũ chưa rút thì họ đổi giọng, hạ xuống còn 1.500 đồng/kg. Họ dồn chúng tôi vào đường cùng”.

Cũng theo anh Đệ, không chỉ một mà nhiều thương lái khác cũng mua với mức giá 1.500 đồng/kg dưa sau lũ. Dưa hấu của anh mót lại được không hư hỏng, nhưng vẫn bị ép giá khó hiểu.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Đại Lộc - thì cho rằng: ”Việc thương lái mua dưa hấu là thỏa thuận riêng của bà con cùng thương lái, chính quyền không can thiệp vì tất cả thuận theo giá cả thị trường, họ là bạn hàng của nhau”.

Cũng theo ông Mẫn, nếu không có lũ, với diện tích 87,6ha, người dân sẽ thu hoạch được trên 1.600 tấn dưa. Tuy nhiên, lũ qua, người dân chỉ còn thu lại được chưa đến 200 tấn dưa. Nếu không có sự giúp sức của các bạn trẻ tình nguyện thì ắt hẳn số tiền thu lại được của người dân nơi đây chỉ còn phân nửa nếu bán cho thương lái.

Gia đình anh Đệ, trồng dưa xã Đại Minh, “giành” lại được 4 tấn dưa từ cơn lũ vừa qua, được các bạn trẻ tình nguyện mua dưa với giá 3.000 đồng/kg. Nếu bán cho thương lái lúc bấy giờ chỉ được 1.500 đồng/kg. Vừa qua, anh Đệ được nhóm bạn trẻ tình nguyện trao số tiền 12 triệu đồng từ tiền mua và bán lại dưa của anh. Tính toán lãi lời, gia đình anh Đệ chỉ thua lỗ 4 triệu đồng so với tất cả vốn liếng và công sức bỏ ra là 16 triệu đồng.

Bàn về việc hỗ trợ người trồng dưa ổn định cuộc sống để bắt tay vào gieo trồng ở vụ mới, ông Hồ Ngọc Mẫn cho rằng: ”Hiện vẫn đang chờ cấp trên giải quyết về việc hỗ trợ người dân về vấn đề này”.

Tuy nhiên, khi được hỏi rằng nếu phải chờ đợi, gieo trồng chậm trễ sẽ để lại hậu quả lớn, trong khi hầu như người trồng dưa ở xã Đại Cường đã trắng tay sau cơn lũ vừa qua, thì ông Mẫn cho rằng: ”Hôm qua (16.4), chúng tôi có làm việc với ngân hàng chính sách xã hội và đã đi đến thống nhất, ngân hàng sẽ ưu đãi, xét tạo điều kiện cho người dân vay ưu đãi, có thời hạn để họ yên tâm, ổn định cho gieo trồng và canh tác vào vụ mới”.

“Dưa hấu tại huyện Đại Lộc hiện đã bán lại hết cho các bạn trẻ tình nguyện hơn 1 tuần trước. Tuy nhiên, vừa qua lại rộ lên thông tin một số thương lái mạo danh dưa vùng lũ để trục lợi. Về vấn đề này, chúng tôi cũng không rõ là dưa vùng lũ của huyện Đại Lộc hay Thăng Bình hoặc là Duy Xuyên… “ - ông Mẫn nói. 

 
Theo Phước Bình
Lao động
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *