Tiền và Hàng 17/04/2015 14:53

“Điệp khúc” ùn tắc nông sản: Trách nhiệm Bộ Công Thương ở đâu?

FICA - Liên quan đến câu chuyện ùn tắc nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), ngày 17/4, Bộ Công Thương đã chính thức có văn bản trả lời PV Dân trí, phân tích thực trạng, nguyên nhân cũng như đưa ra giải pháp khắc phục.

Tình trạng ùn tắc nông sản tại biên giới Trung Quốc cứ "đến hẹn lại lên"
 
Trong những năm gần đây liên tục diễn ra việc ùn tắc nông sản tại cửa khẩu với Trung Quốc mà cụ thể là cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Liệu Bộ Công Thương đã có giải pháp gì để tháo gỡ vấn đề trước mắt và trong dài hạn?
 
Thời gian qua, vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc một số mặt hàng nông sản (chủ yếu là hoa quả tươi như dưa hấu, thanh long) sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là theo quy định của Trung Quốc, chợ biên giới Pò Chài là địa bàn giáp khu vực cửa khẩu Tân Thanh-Lạng Sơn được Trung Quốc (Tổng cục Kiểm nghiệm Kiểm dịch) xác nhận đủ điều kiện và chỉ định cho phép nhập khẩu hoa quả từ phía Việt Nam. Theo đó, đối tác mua hàng của Trung Quốc thường chỉ chấp nhận làm thủ tục nhận hàng nông sản, trái cây tươi xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh, không nhận tại các cửa khẩu khác thuộc tỉnh Lạng Sơn để tận dụng các chính sách thuận lợi của chính quyền địa phương Trung Quốc.
 
Trong khi đó, điều kiện địa hình, hệ thống hạ tầng, kho bãi, năng lực tiếp nhận, giải phóng hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh và phía chợ Pò Chài-Thị Bằng Tường Trung Quốc hiện còn hạn chế. Mặt hàng nông sản như dưa hấu của các tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu có chất lượng không đồng đều, các thương nhân Trung Quốc thường lựa kiểm, phân loại hàng rất kỹ tại khu vực Pò Chài nên việc giao nhận mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới tiến độ thông quan chung.
 
Thêm nữa, phần lớn nông sản, trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc là các loại trái cây mang tính thời vụ, được thu gom lên cửa khẩu để xuất trong một thời gian ngắn kịp đáp ứng nhu cầu rất cao của Trung Quốc những ngày lân cận các dịp Lễ, Tết nước bạn, dẫn tới việc lượng hàng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc trong các dịp này có nhiều thời điểm tăng đột biến, gây ách tắc cục bộ tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh. 
 
Đối với vấn đề này, trong những năm qua và ngay trong đầu năm 2015, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai các biện pháp, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để tìm cách tháo gỡ, giải quyết tình trạng ùn tắc, nhất là đối với mặt hàng dưa hấu xuất khầu qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. 
 
Cụ thể, Bộ đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa; tăng cường công tác an ninh, trật tự trên địa bàn; điều tiết kịp thời các phương tiện vận tải để tránh tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường dẫn vào khu vực cửa khẩu; bảo đảm công tác vệ sinh môi trường... 
 
Đồng thời Bộ Công Thương cũng có văn bản khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu mặt hàng trái cây qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đề nghị chủ động điều tiết kế hoạch giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đảm bảo an toàn chất lượng hàng hóa; chủ động trong việc phân loại, lựa chọn chủng loại trái cây và tổ chức đóng gói ngay ở trong nước đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài trước khi đưa lên khu vực biên giới để quá trình giao nhận hàng hóa diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.
 
Bộ đã cử Đoàn công tác Bộ Công Thương kết hợp với tỉnh Lạng Sơn vào cuối tháng 1 năm 2015 làm việc với các cơ quan chức năng của Bằng Tường để thống nhất các giải pháp giảm ùn tắc hàng tại khu vực Tân Thanh-Pò Chài. 
 
Gần đây nhất, đầu tháng 4 năm 2015, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn phối hợp với phía Trung Quốc triển khai các giải pháp đã được hai bên thống nhất để giải quyết trước mắt tình trạng ùn tắc hàng hóa, tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho các thương nhân tham gia hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh.
 
Theo báo cáo tỉnh Lạng Sơn, các cơ quan ban ngành của tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan chức năng của phía Bằng Tường (Trung Quốc) và thống nhất triển khai thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành và hỗ trợ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu thời gian thông quan trong ngày (đến 20 giờ Việt Nam); mở rộng và huy động thêm các khu vực kho bãi để tiếp nhận dưa hấu bên phía Trung Quốc, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra, giảm thời gian kiểm soát đối với các xe hàng, nâng cao năng lực bến bãi hiện có. Tỉnh cũng bố trí lực lượng điều tiết, sắp xếp, phân luồng, phân tuyến phương tiện dọc theo tuyến đường 1A trước khi vào khu vực cửa khẩu theo hướng cho ưu tiên giải phóng trước mắt hàng dưa hấu, hoa quả, nông sản tươi, tạo điều kiện thông quan nhanh hàng xuất khẩu; từng bước đã giải quyết được dần hiện tượng dồn ứ xe hàng.
 
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trái cây Việt Nam gắn với chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; vận động các địa phương, doanh nghiệp xây dựng các mô hình liên kết tiêu thụ nông sản, trái cây tươi qua hệ thống phân phối lớn như siêu thị, chợ đầu mối để tăng cường tiêu thụ nội địa, giảm tải áp lực trong xuất khẩu sang Trung Quốc khi vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản, trái cây tươi. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn làm việc với các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa và xem xét, bổ sung thêm cửa khẩu được làm thủ tục xuất khẩu nông sản, trái cây như đối với Tân Thanh hiện nay.
 
Việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên từ phía Bộ Công Thương và tỉnh Lạng Sơn  sẽ giúp giảm thiểu tình trạng ùn ứ cục bộ một số mặt hàng trái cây tươi. Tuy nhiên, việc giải quyết tình trạng như thời gian qua cần các giải pháp đồng bộ từ các Bộ, ngành hữu quan, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chú trọng kiểm soát qui hoạch sản xuất các loại trái cây mang tính thời vụ, đảm bảo kiểm soát sản lượng trong khả năng hấp thụ của thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng sản xuất tự phát như hiện nay. 
 
Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn cần sớm đầu tư nâng cấp hạ tầng, kho bãi trung chuyển hàng hóa, nơi tập kết hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng, để đáp ứng nhu cầu giao thương biên mậu Việt Nam- Trung Quốc ngày càng không ngừng tăng. 
 
 
Bộ có khuyến nghị gì với các doanh nghiệp để giảm thiểu thiệt hại hay không?
 
Với hiện trạng sản xuất, tiêu thụ trái cây thời vụ như hiện nay, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp thương nhân xuất khẩu hàng hóa nông sản cần chủ động điều tiết kế hoạch giao hàng và kế hoạch vận chuyển hàng lên các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn, chủ động phối hợp liên kết tránh tình trạng tranh bán gây ùn tắc, kéo theo sự thiệt hại về chất lượng hàng hóa cũng như bị đối tác ép giá. 
 
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần thực hiện tốt việc phân loại, đóng gói, bao bì hàng hoá xuất khẩu, phân định rõ về chất lượng, chủng loại các loại nông sản, hoa quả, trái cây phù hợp với các điều kiện vận chuyển, giao nhận cụ thể để góp phần đẩy nhanh thời gian giao nhận hàng hoá tại cửa khẩu. 
 
Trong mối quan hệ giao thương với Trung Quốc, mặc dù Bộ Công Thương đã được giao mở rộng thị trường để tránh lệ thuộc vào một thị trường, tuy nhiên rõ ràng là thực tế hiện nay đang cho thấy những bất cập. Liệu rằng độ trễ của các giải pháp này khoảng bao lâu? Đến bao giờ hàng nông sản Việt Nam, người nông dân Việt Nam có thể chủ động trước thị trường?
 
Về công tác đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, Bộ Công Thương đã và đang tích cực và chủ động trong việc triển khai thực hiện một số biện pháp nhằm tìm kiếm và phát triển thị trường xuất khẩu, tổ chức và thường xuyên cung cấp nhiều thông tin về các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là hàng nông, lâm, thủy sản có cơ hội thâm nhập các thị trường nước ngoài có nhu cầu lớn và tiềm năng
 
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ta luôn chủ trương đa dạng hóa thị trường, không tập trung quá nhiều vào một thị trường đơn lẻ nào. Nhiều năm qua, Việt Nam đã và đang tiếp tục thực hiện chủ trương này đối với nhiều mặt hàng, trong đó có mặt hàng nông lâm thủy sản.
 
Cụ thể qua số liệu xuất khẩu có thể thấy, đối với thủy sản là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong nhóm hàng này với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 của Việt Nam đạt 7,8 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 466 triệu USD, chiếm tỷ trọng 5,9%. Mặt hàng cà phê với kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 với kim ngạch năm 2014 đạt 3,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 91 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,5%. Tương tự như vậy, xuất khẩu chè, hạt điều sang Trung Quốc cũng chiếm tỷ trọng lần lượt là 7,4% và 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam.
 
Tuy nhiên, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu hiện vẫn còn tập trung nhiều vào một thị trường, trong đó có thị trường Trung Quốc như gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su tự nhiên. Thời gian tới, ngoài tiếp tục kiên trì thực hiện những biện pháp, định hướng nêu trên, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng cần tiếp tục chủ động tái cơ cấu thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến nông sản và chất lượng hàng hóa và năng lực cạnh tranh để có thể thâm nhập vào các thị trường lớn và khó tính khác.
 
 
Cũng liên quan tới mặt hàng dưa hấu, hiện cộng đồng đang xuất hiện phong trào bán dưa hộ đồng bào miền Trung (Quảng Nam). Được biết, thương lái Trung Quốc đang ép giá mặt hàng xuống dưới 1.000 đồng/kg, và mức mà các nhóm tình nguyện viên thu mua là 3.000 đồng/kg, bán tại Hà Nội 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, ở các siêu thị thì mức bình quân là 20.000 đồng/kg. 
 
Trong câu chuyện này, Bộ Công Thương có vai trò như thế nào và liệu Bộ Công Thương đã có những kế hoạch gì để tháo gỡ khó khăn cho bộ phận người dân trồng dưa?
 
Theo thông tin báo cáo của các địa phương có liên quan, tính đến thời điểm này, việc sản xuất, tiêu thụ và thu mua dưa hấu của bà con nông dân vẫn diễn ra bình thường với mức giá tương đối khả quan.
 
Hiện nay, dưa hấu được trồng tại Nam Trung Bộ tập trung chủ yếu 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên với tổng diện tích vào khoảng gần 4.000 ha, sản lượng năm 2015 đạt trên 100 nghìn tấn. Đây là loại dưa có mùa vụ ngắn, chất lượng tốt và được trồng tập trung ở 2 - 3 huyện mỗi tỉnh chứ không trồng rải rác.
 
Năm nay, mặc dù vụ dưa hấu đến sớm hơn những năm trước khoảng 2 tuần nhưng theo thông tin Vụ Thị trường trong nước nắm bắt được thông qua báo cáo cũng như làm việc trực tiếp với phòng Kinh tế - Sở Công Thương các địa phương này, nhìn chung, việc tiêu thụ vẫn diễn ra tương đối tốt. Nhiều địa phương đã tiêu thụ được khoảng gần 80%, trong đó cá biệt có Bình Định đã cơ bản tiêu thụ hết. Riêng Quảng Nam có khoảng 700 – 800 ha dưa thu hoạch đúng vào mùa lũ nhưng đến nay, tình hình tiêu thụ cũng rất khả quan.
 
Đối với dưa hấu xuất khẩu, mặc dù lượng dưa đổ về qua cửa khẩu Tân Thanh khá lớn dẫn đến ùn tắc nhưng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, lượng dưa ùn ứ đã nhanh chóng giảm xuống. Giá dưa xuất khẩu sang Trung Quốc cũng dao động ở mức trên dưới 10.000 đồng/kg, tùy chất lượng quả.
 
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu hàng nông sản nói chung, mặt hàng dưa hấu nói riêng, các cơ quan chức năng phía Việt Nam đã có nhiều cuộc thảo luận với phía Trung Quốc. Theo đó, hiện phía Trung Quốc đã quyết định dành riêng một kho bãi trong hệ thống kho bãi tại cửa khẩu cho mặt hàng dưa hấu Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã thông tin đến doanh nghiệp về sức chứa của cửa khẩu Tân Thanh cũng như khuyến cáo thương lái không ồ ạt đưa dưa hấu lên cửa khẩu.
 
Riêng với tiêu thụ trong nước, thời gian qua, các hoạt động xúc tiến thương mại về tiêu thụ nông sản gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được tổ chức và trên thực tế các kênh phân phối lớn như Co.opmart, Hapro, Metro, Big C, chợ đầu mối… đã tích cực thu mua dưa để bán trong chuỗi siêu thị của mình. Thương lái cũng thu mua dưa hấu để bán trong hệ thống chợ truyền thống. Điều này cho thấy, những giải pháp kết nối cung cầu của ta đã thu được những kết quả khả quan.
 
Tuy nhiên, cũng như các mặt hàng khác mặt hàng dưa hấu phải cần được tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi để bảo đảm sự ổn định và bền vững. Nhà nước đóng vai trò xây dựng cơ chế, cung cấp thông tin về thị trường, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quy hoạch giống cây con, quy trình trồng, công nghệ sản xuất… Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp, liên kết cùng người nông dân tổ chức sản xuất kinh doanh trên cơ sở nắm rõ dung lượng thị trường, khả năng tiêu thụ sản phẩm, giá bán cũng như nhu cầu của từng nhóm khách hàng
 
Bích Diệp (thực hiện)
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *