Tiền và Hàng 22/03/2015 16:17

Hàng xuất khẩu lo giảm sức cạnh tranh

Cú đúp tăng giá điện và xăng dầu đã tạo gánh nặng lên giá thành sản xuất và ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Với nhiều đơn hàng xuất khẩu đã được đàm phán và ký kết về giá, việc tăng giá nguyên liệu đầu vào đang khiến cho nhiều DN có nguy cơ mất lãi và giảm sức cạnh tranh của hàng hoá.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNG. Ảnh: Nguyễn Thanh 

Thêm gánh nặng

Mặc dù chi phí giá điện và xăng dầu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu giá thành sản phẩm, song theo nhiều DN xuất khẩu dệt may, việc cùng một lúc tăng giá khá mạnh của hai mặt hàng nguyên nhiên liệu đầu vào, đã khiến cho chi phí giá thành bị “đội” lên khá cao. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Hưng Yên cho biết, mỗi tháng doanh thu của DN đạt khoảng 30 tỷ đồng, thì chi phí sử dụng điện mà DN phải bỏ ra chỉ mất khoảng 400 triệu đồng, tương ứng với khoảng 1,2% cơ cấu giá thành sản xuất. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển lại chiếm tỷ lệ khá cao nên việc điều chỉnh giá xăng dầu tăng cao, đã tạo nên tác động “kép” đến chi phí giá thành sản phẩm.

“Chi phí vận tải chiếm từ 5-10% trong chi phí giá thành sản xuất, nên khi giá xăng dầu tăng mạnh, sẽ tạo gánh nặng cho DN. Trong khi trước đó, giá điện vừa được điều chỉnh tăng khá cao, ở mức 7,5% nên DN chịu  tác động không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Bởi hai mặt hàng này là nguyên liệu đầu vào rất quan trọng của nhiều ngành sản xuất, nên khi giá xăng dầu và điện cùng tăng thì sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng theo, như nguyên liệu sản xuất, nên DN cũng sẽ chịu thêm tác động ở vòng gián tiếp. Trong khi đó, các đơn hàng của chúng tôi đã được ký kết, đàm phán về giá ổn định đến hết quý III, nên rất khó thay đổi được đơn giá. Không điều chỉnh được giá bán, nhưng giá đầu vào lại liên tục tăng sẽ khiến hiệu quả kinh doanh của DN không cao”, ông Dương lo ngại.

Một số DN thì lo ngại sức cạnh tranh của hàng hoá, sản phẩm sẽ bị tác động từ việc tăng giá điện, xăng dầu. Theo ông Đàm Quang Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sơn Hà, mặc dù nguyên nhiên liệu chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng việc tăng đồng thời giá điện và xăng chắc chắn sẽ ảnh hướng lớn đến DN sản xuất, làm cho giá thành sản phẩm tăng lên, tạo thêm gánh nặng cho sức cạnh tranh của hàng hoá. Cũng bởi, khi giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng lên, tác động đến giá tiêu dùng nói chung, từ đó quay trở lại tác động đến các chi phí khác như nguyên liệu sản xuất, tiền lương, thuê mặt bằng…

Với nhiều yếu tố như vậy, sẽ tạo áp lực cho DN trong việc tăng giá bán sản phẩm để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, và điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá. Dẫn chứng tại Sơn Hà, ông Hùng cho biết hiện sản phẩm ống thép xuất khẩu của DN này đang “gặp khó” do việc điều tra chống bán phá giá từ các nước nhập khẩu, nên hiện Sơn Hà đang phải tìm mọi cách để tiết giảm chi phí, sản phẩm có giá bán phù hợp khi chào hàng ở thị trường mới. Song ông Hùng lo ngại rằng nếu giá nguyên nhiên liệu đầu vào cứ liên tục tăng, sản phẩm sẽ khó có cơ hội để cạnh tranh trên thị trường.

Doanh nghiệp chủ động đối phó

Cùng chung nỗi lo trên, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xích líp Đông Anh cho biết, nếu giá điện sắp tới tăng 7,5%, mỗi tháng DN sẽ phải chi thêm khoảng hơn 100 triệu tiền điện. Chưa kể, thêm gánh nặng xăng dầu có xu hướng sẽ tăng lên càng tạo áp lực cho DN để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Cũng bởi, giá bán đã được đàm phán và ký kết với đối tác ở mức khá ổn định từ 3 - 6 tháng, nên việc thay đổi liên tục giá nguyên nhiên liệu đầu vào sẽ khiến cho DN phải chấp nhận chịu “thua thiệt” để giữ khách hàng. Ông Thanh cũng cho biết, hiện DN đang tính chuyện tìm kiếm thêm thị trường ngoài nước, đặc biệt là các nước trong khu vực để đón đầu cơ hội từ việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, song với giá thành ở mức cao do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, sản phẩm sẽ khó có thể cạnh tranh tốt.

Do đó, trước xu hướng chung về việc tăng nguyên nhiên liệu đầu vào, nhiều DN đã chủ động tìm mọi phương thức để tiết giảm chi phí, giảm gánh nặng lên giá thành sản phẩm. Theo ông Hùng, việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ mới, sử dụng công suất điện ít hơn đã được DN này triển khai thực hiện để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa tiết giảm chi phí nhiên liệu. Bên cạnh đó, DN còn có sự điều chỉnh về thời điểm sử dụng động cơ sản xuất, chiếu sáng hợp lý và điểu chỉnh, sắp xếp khung giờ hoạt động sao cho phù hợp. Còn tại Công ty Xích líp Đông Anh, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất cũng đã được DN này đưa vào triển khai từ nhiều năm nay. Bên cạnh đó, DN cũng tăng cường kiểm soát, quản lý lao động và đưa ra nhiều biện pháp để rà roát nhằm giảm thiểu sử dụng chi phí nhiên liệu thông qua hệ thống ISO 5001, hoặc như giảm chi tiêu ở những kênh khác để “bù” cho hao hụt từ giá điện.

Theo Linh Sơn
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *