Tiền và Hàng 22/03/2015 15:17

Khi cô đơn, hãy nhớ "quyền lực mềm"

Trước ngày Quyền của người tiêu dùng (15-3), nhiều hội thảo liên quan tới chủ đề này đã được tổ chức tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Câu chuyện "quyền của người tiêu dùng (NTD)" và "bảo vệ NTD theo cách nào?" đã được nói đến nhiều năm nay. Nhưng rất tiếc, tại những hội thảo nói trên cũng không có gì mới, cả ở thực trạng và những đề xuất giải pháp.

 Một người tiêu dùng đơn lẻ sẽ không làm được gì, nhưng nhiều người tiêu dùng hợp sức sẽ tạo nên "quyền lực mềm" để bảo vệ chính mình. Ảnh DUY LINH

"Người tiêu dùng cô đơn"

Ðó là khẳng định của ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), cơ quan đã thực hiện một cuộc khảo sát ở 1.200 NTD, về thực trạng họ đang bị vi phạm quyền lợi thế nào và những hiểu biết của họ về bảo vệ quyền lợi của mình ra sao. Theo ông Bình, nguyên nhân của sự "cô đơn" của NTD ở đây là do có tới 90% số NTD được hỏi không biết về các Hội bảo vệ NTD.

Con số đó cũng gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Bởi trong thực tế, các Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD không chỉ có một cơ quan "đầu não" ở Trung ương, mà nằm ngay trong các Sở Công Thương tại khắp các tỉnh, thành phố. Cơ quan này lẽ ra phải tổ chức nhiều hoạt động, vừa để tăng cường nhận thức của cộng đồng, vừa thể hiện vai trò ở các "điểm nóng" khi quyền lợi của NTD bị vi phạm. Nhưng đáng tiếc, con số 90% kể trên thể hiện rằng họ - hệ thống có nhiệm vụ bảo vệ NTD - hoạt động "tích cực" và "hiệu quả" tới đâu!

Ngày càng nhiều các vụ vi phạm quyền lợi của NTD xảy ra, nhưng người dân không tìm đến những tổ chức chính thống này. Ngược lại, khi "có chuyện", các tổ chức ấy cũng tìm cách "đổ lỗi", mà nguyên nhân được nhắc tới thường là thiếu cơ chế, thiếu kinh phí, thiếu nhân lực... Tuy nhiên, nếu thật sự lấy quyền lợi của NTD làm trung tâm, họ hoàn toàn có thể đưa ra những cách làm hiệu quả hơn, thay vì ngồi đợi NTD đưa những kiến nghị đến và hằng năm báo cáo đều đặn kiểu: Ðã nhận được bao nhiêu vụ kiến nghị liên quan đến vi phạm quyền của NTD; và đã hòa giải, xử lý được chừng ấy phần trăm trong số đó.

Thừa nhận về các vấn đề đặt ra, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ NTD) cho rằng: Việc thực thi luật và các quy định liên quan đến lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Ðó là tình trạng thiếu đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong quản lý bảo vệ NTD. Hơn nữa, quy trình xử lý theo quy định chưa phù hợp nên không khuyến khích được người tiêu dùng khiếu nại. Do đó, công tác tuyên truyền rộng rãi cho NTD về quyền của mình, việc áp dụng các biện pháp xử phạt gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp cần được đẩy mạnh để việc thực thi Luật Bảo vệ NTD hiệu quả.

NTD đang đơn độc trên con đường bảo vệ quyền lợi của mình, cho dù trên lý thuyết, họ đang được bảo vệ bằng một hệ thống pháp luật khá đầy đủ và các quy trình khiếu kiện - khiếu nại bài bản (nhưng phức tạp). Vậy, họ phải làm gì khi quyền lợi của mình càng lúc càng bị vi phạm ngang nhiên?

Ai sẽ bảo vệ quyền lợi NTD?

Ðương nhiên, câu trả lời sẽ là: Các Hội bảo vệ quyền lợi NTD. Tuy nhiên trong chính cuộc hội thảo mới được tổ chức vào ngày 12-3 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD (Vinastas) khi trả lời phỏng vấn bên hành lang đã nói tới "quyền tẩy chay sản phẩm của NTD". Một NTD đơn lẻ sẽ không làm được việc đó, nhưng nhiều NTD sẽ tạo thành một sức mạnh lớn, thậm chí có thể khiến doanh nghiệp phá sản. "Người tiêu dùng ở thế yếu khi đơn độc, nhưng ở thế mạnh khi là số đông. Thực tế cho thấy, phong trào tẩy chay của người tiêu dùng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hay sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng nào đó còn tác động mạnh hơn cả chế tài xử phạt", ông Hùng nhấn mạnh.

Việc NTD tạo ra một phong trào tẩy chay một sản phẩm, doanh nghiệp nào đó thực chất là cách NTD dùng "quyền lực mềm" của họ - quyền từ chối dùng sản phẩm. Ðó sẽ là "cú đánh tối tăm mặt mũi" vào doanh nghiệp. Vấn đề này đã từng được báo Nhân Dân cuối tuần đưa ra trong Chuyên đề "Quyền lực mềm của người tiêu dùng" mới đây. Khi NTD không được hỗ trợ nhiều công cụ để tự bảo vệ mình thì điều có thể làm là từ chối dùng sản phẩm và kêu gọi nhiều người khác cùng làm. Ðây cũng là cách thường được các Hiệp hội bảo vệ NTD ở nhiều nước sử dụng, để vừa đưa ra quan điểm phản đối mạnh mẽ trước công luận, vừa gián tiếp thông qua đó tăng quyền lực của chính Hội với doanh nghiệp và NTD. Tuy nhiên ở nước ta, NTD thường sử dụng quyền lực mềm này theo cách tự phát, nhỏ lẻ nên chưa có nhiều ảnh hưởng, và chính các Hiệp hội bảo vệ quyền lợi cho họ cũng còn tỏ ra khá "dè dặt".

"Các cơ quan Nhà nước cần được nhắc nhở để thực hiện trách nhiệm này tốt hơn", ông Lê Quang Bình nhận xét. Trách nhiệm này bao gồm cả việc cung cấp thông tin đầy đủ về quyền của NTD và các cơ chế bảo vệ NTD sẵn có, đơn giản hóa thủ tục khiếu kiện và tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng tự tổ chức lại với nhau bảo vệ quyền của mình.

Chính bởi vậy, nhìn chung, cho dù những năm qua đã có nhiều hội thảo được tổ chức, nhưng NTD vẫn đang rất "cô đơn" khi bảo vệ mình. NTD phải đối mặt với các nguy cơ thường trực hằng ngày: hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng... và phải ngậm ngùi chịu thiệt về mình. Chừng nào những cơ quan, tổ chức bảo vệ NTD chưa thật sự là chỗ dựa tin cậy của chính những người cần được họ bảo vệ thì câu chuyện thực hiện quyền của NTD vẫn sẽ chỉ là một phong trào "bề nổi" mà thôi!

Kết quả cuộc khảo sát trực tuyến với trên 1200 người do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện cho thấy, có 46% NTD mua phải hàng kém chất lượng/số lượng so với quảng cáo, 40% mua phải hàng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, khoảng hơn 30% số người tham gia khảo sát đã mua phải thực phẩm hết hạn, ôi hỏng, mua phải hàng giả, hàng nhái, 27,75% cho rằng mình bị đối xử "không tốt" hoặc "rất không tốt".
 
Theo LÊ PHƯỢNG
Báo Nhân Dân
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *