Thời sự 10/07/2014 07:55

Thống đốc Bình lo ngại an ninh hệ thống thông tin ngân hàng

FICA - Hiện vấn đề chúng ta lo ngại không phải cơ chế chính sách, không phải tiền bạc mà là vấn đề an ninh hệ thống thông tin ngân hàng”, Thống đốc nhắn nhủ.

Đánh giá về quá trình “vận hành” của ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng: Quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu dường như có vẻ hơi chững lại trong 6 tháng đầu năm nhưng đó là chúng ta chuẩn bị các văn bản quy phạm pháp luật cho nó phù hợp trong giai đoạn tới.

Đây là nội dung hết sức khó khăn, nên về phía các ngân hàng thương mại tinh thần chung là chúng ta tiếp tục xử lý nợ xấu, tiếp tục trích lập dự phòng, tiếp tục bán nợ cho VAMC.

“Chúng ta bàn xem có gì vướng mắc cần tháo gỡ về mặt cơ chế chính sách. Về phía các vụ, cục của Ngân hàng Nhà nước, về phía VAMC tiếp tục tích cực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để làm cho xử lý nợ xấu, mua bán nợ xấu thông thoáng hơn, phù hợp hơn”, Thống đốcBình nói.

Để tiến trình xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao, Thống đốc Bình yêu cầu khả năng phân tích các khoản nợ của các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước phải được nâng lên, cơ chế về tái cấp vốn thông qua mua bán nợ cũng phải được thông thoáng hơn để giúp cho mua bán nợ trong 6 tháng cuối năm mới đạt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.

Máy Pos của ngân hàng bị thẻ giả "qua mặt"

Bên cạnh xử lý nợ xấu, Thống đốc cũng cho biết, đến nay Chính phủ đã đồng ý phương án khi các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thoái vốn tại các tổ chức tín dụng thì toàn bộ phần thoái vốn đó phải dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Điều này nghĩa là khoản vốn nào cần thì Ngân hàng Nhà nước sẽ mua lại để trực tiếp tham gia cổ phần vào các tổ chức tín dụng, nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng, đặc biệt là giúp các ngân hàng thương mại cổ phẩn mạnh mẽ hơn.

“Nói thì gọn như vậy, nhưng triển khai là rất lớn. Hiện nay chúng tôi đang xây dựng đề án trình Chính phủ, dự kiến trong tháng này Cính phủ thông qua để triển khai”, Thống đốc Bình tiết lộ.

Đề cập tới việc tái cấu trúc các ngân hàng, Thống đốc Bình cho biết: “Trước tới nay chúng ta mới tái cấu trúc ngân hàng nhỏ, nhưng trong 6 tháng cuối năm này chúng ta tái cấu trúc cả các ngân hàng TMCP lớn. Do đó, các tổ chức tín dụng chuẩn bị tinh thần, liên quan tới địa phương nào thì địa phương đó phải vào cuộc quyết liệt thì chương trình tái cấu trúc trong 6 tháng cuối năm mới đạt được kết quả. Giai đoạn 1 chương trình tái cấu trúc kết thúc năm 2015. Và để đạt được muc tiêu, thì trong 6 tháng cuối năm và năm 2015 phải nỗ lực hơn nữa”.

Thống đốc Bình cho rằng, trong giai đoạn hiện nay kinh tế vĩ mô ổn định, chúng ta có điều kiện chuẩn bị đề án kỹ lưỡng hơn, mời các cơ quan tham gia rộng rãi hơn nên sẽ có đồng thuận cao hơn của hệ thống chính trị về chương trình tái cơ cấu ngân hàng.

Về môi trường kinh tế vĩ mô, đứng trước những diễn biến về tình hình biển Đông, ngành ngân hàng phải hết sức đề phòng, không được chủ quan.

“Ổn định kinh tế với ngành ngân hàng là tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay, tiếp tục ổn định kiềm chế lạm phát, tiếp tục ổn định thị trường ngoại hối… Nhưng chúng ta không được chủ quan, mọi diễn biến chúng ta có công cụ, giải pháp xử lý cho kịp thời.

Hiện vấn đề chúng ta lo ngại không phải cơ chế chính sách, không phải tiền bạc mà là vấn đề an ninh hệ thống thông tin ngân hàng”, Thống đốc nhắn nhủ.

Trên thực tế, lo ngại của vị tổng tư lệnh ngành cũng đã hiện hữu. Liên tục trong thời gian gần đây, những vụ án về tội phạm sử dụng công nghệ cao bị lực lượng công an triệt phá, loại tội phạm này đang hoạt động thông qua mạng internet, mạng viễn thông. Đặc biệt, mục tiêu loạt tội phạm này nhắm đến thường là các ngân hàng lớn để nhằm chiếm đoạt lượng tiền tỉ.

 

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *