Đầu tư 10/10/2014 08:11

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: “Nên bớt ưu đãi doanh nghiệp FDI”

“Việc thu hút FDI bằng các chính sách ưu đãi thuế, vô hình trung đang tạo cho doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (FDI) cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp (DN) trong nước…”.

Đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khi trả lời phỏng vấn phóng viên NTNN xung quanh câu chuyện ưu đãi thuế cho DN FDI hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
 

Từ góc nhìn chuyên gia, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả các chính sách ưu đãi thuế cho DN FDI của Việt Nam đến thời điểm này?

- Chúng ta trải thảm đỏ với những ưu đãi để thu hút FDI không còn là vấn đề mới. Việc các địa phương chỉ coi trọng DN FDI, coi họ như “thượng đế”, còn DN trong nước vào đầu tư thì “đuổi đi” cũng là vấn đề không còn mới. Những hệ lụy từ ưu đãi đầu tư như ta đã làm suốt thời gian qua đã lộ rõ với những nghi án chuyển giá, trốn thuế… Ưu đãi quá mức vô hình trung đang tạo cho DN FDI cạnh tranh không bình đẳng với DN trong nước, nó được ví như người ta “rước rắn về cắn gà nhà” mà hệ quả là nền kinh tế không thu được gì. Dù có nhiều ưu đãi nhưng việc thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực được đặc biệt ưu tiên là công nghệ cao, nông nghiệp và địa bàn kinh tế khó khăn nhiều năm qua là thất bại…

Thực tế, nhiều DN FDI đầu tư vào Việt Nam từ lâu nhưng lại không đóng góp thuế, như trường hợp Tập đoàn siêu thị bán lẻ Metro vừa chuyển nhượng cho Thái Lan đã 10 năm không đóng thuế khi làm ăn tại Việt Nam. Ông nhìn nhận câu chuyện này như thế nào?

- Đây là hệ quả rõ nhất. Hầu như chúng ta không thu được thuế hoặc thu rất ít. Với DN FDI, chúng ta chỉ thu được phần giá trị gia tăng hàng hóa họ bán trong nước, còn lại họ xuất khẩu là không thu được gì. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu của họ vào ta lại được miễn thuế, ưu đãi thuế nên ta cũng chẳng thu được gì nốt. Tôi chỉ ví dụ, xuất khẩu của DN FDI lớn hơn DN trong nước rất nhiều. Trong năm 2014, xuất khẩu của FDI chiếm tới 70% song cái chúng ta nhận được lại không đáng là bao. Các DN này vẫn báo là không có lãi, tức là tiền lãi đã được họ chuyển ra nước ngoài hết. Các chính sách ưu tiên phục vụ cho xuất khẩu của chúng ta đều đang làm giàu cho các DN FDI. Tương tự, GDP của ta tăng trưởng rất nhanh và trong số này phần GDP do DN nước ngoài đóng góp số liệu rất lớn, nhưng cái thực chất lợi nhuận lại được họ mang về nước, người dân Việt Nam chỉ còn được hưởng ít ỏi công lao động rẻ…

Theo ông, việc ưu đãi thuế hậu hĩ như vậy cho doanh nghiệp FDI để lại hậu quả cho chính sách thuế và cho ngân sách nhà nước như thế nào?

- Hậu quả rất lớn, bởi như tôi nói, ngân sách của chúng ta không thu được gì cả, thậm chí nền kinh tế của ta lại bị phụ thuộc nhiều vào bên ngoài; các chính sách khác và sự cạnh tranh làm ăn trong nước thì bị méo mó. DN FDI được miễn thuế, giảm thuế trong một thời gian rất dài: 10 năm miễn thuế, tiếp theo là 10 năm giảm thuế 50%. Trong khi DN VN nào được như vậy không? Không có!

Hiện không có một nước nào có sự ưu đãi quá mức cho người nước ngoài và “phân biệt đối xử” với DN trong nước như ở ta. Rõ ràng, chúng ta đã dành nguồn lực cho khu vực này rất lớn, song kết quả mang lại từ đây lại không đáng là bao. Người lao động vẫn nghèo khó và được trả với giá nhân công rẻ. Việc thu hút công nghệ tiên tiến cũng không thấy đâu. Chúng ta thấy rõ số lượng DN FDI vào Việt Nam ngày một tăng, nhưng tỷ lệ DN có đóng thuế và mang lại hiệu quả thực cho nền kinh tế trong nước lại rất ít.

Như tôi đã nói, những DN lớn như Coca Cola hay như Metro… lớn mạnh từng ngày. Vậy mà bao nhiêu năm họ không đóng thuế với lý do làm ăn thua lỗ!? Nhiều DN FDI nói là đầu tư tỷ đô (đô la Mỹ) vào ta, nhưng thực chất chỉ đưa vào có vài trăm triệu đô, sau đó, khi kết thúc dự án thì lại có tỷ đô để chuyển về nước họ, chúng ta chẳng thu được gì nhiều.

Có ý kiến cho rằng, nếu như ngân sách có thêm nguồn thu thuế chính đáng từ các DN FDI thì việc đầu tư trở lại cho những lĩnh vực thiết yếu ở khu vực nông thôn sẽ tốt hơn. Ông thấy điều này thế nào?

-Đúng là như vậy. Hiện nay, chúng ta đang rất cần khuyến khích các DN đầu tư về nông thôn, đầu tư cho chế biến nông sản, nhưng thử hỏi có bao nhiều DN làm chế biến, bởi chính sách ưu đãi kém, không đến được với DN. Với các ưu đãi cho DN FDI như hiện nay thì DN trong nước khó cạnh tranh nổi. Trong ngắn hạn, hiện nay các DN VN đang đuối sức rất rõ và thị phần của DN FDI đang tăng lên.

Bất cứ một nền kinh tế nào muốn phát triển thì trước hết phải dựa vào nội lực chứ không phải dựa vào bên ngoài. Muốn phát triển nông thôn thì càng phải dựa vào nội lực, bởi không DN FDI nào lại muốn đầu tư vào khu vực nhiều rủi ro, ít lợi nhuận như nông thôn. Nếu không có chính sách ưu đãi tốt, đồng bộ với DN trong nước thì không thể giúp nông thôn phát triển.

Như ông phân tích thì phải chăng, chính sách ưu đãi thuế với DN FDI của Việt Nam cần sớm được xem xét, điều chỉnh lại?

- Rất cần điều chỉnh chính sách, một mặt là rút bớt những ưu đãi quá mức đối với đầu tư nước ngoài, mặt khác là thực sự tạo mặt bằng cạnh tranh bình đẳng cho các DN trong nước và đây là điều Nhà nước cần phải làm gấp. Cho đến nay, chúng ta vẫn áp nguyên chính sách ưu đãi hút nguồn vốn FDI bằng mọi giá. Lẽ ra đây phải là vấn đề cần có tầm nhìn mới. Không phải có ưu đãi DN FDI họ mới vào. Bởi DN FDI đầu tư vào Việt Nam thì tiền, nguồn lực, con người đều của chúng ta nhưng khi các DN nước ngoài có lãi thì không ít DN lại tìm cách che giấu, không nộp thuế và tìm cách chuyển tiền về nước thông qua chuyển giá. Có những DN FDI đầu tư vào Việt Nam cả chục năm trời nhưng không nộp một đồng thuế nào cả mà vẫn tiếp tục tăng vốn, thì điều đó là không thể chấp nhận được.

Khi chúng ta ưu đãi quá nhiều, họ vào đầu tư mà không phải nộp thuế, chỉ việc tính lãi rồi mang về nước thì đến một lúc nào đó họ sẽ tính đến chuyện tìm kiếm một nước có thể đầu tư lớn hơn, ở những khu vực có thể phát triển lợi nhuận hơn. Còn khoản đóng góp cho ngân sách Nhà nước thì “rỗng tuếch”. Thử hỏi, lúc ấy làm sao có thể có khả năng đầu tư vào những nơi cần được đầu tư, vào những nơi còn yếu thế như khu vực nông thôn.

Xin cảm ơn ông!

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2013, có 9.093 DN FDI đang hoạt động trên phạm vi toàn quốc, với tổng số vốn đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh hơn 3,411 triệu tỷ đồng. Doanh thu thuần đạt 3,138 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 248 nghìn tỷ đồng; đóng góp cho ngân sách 214,3 nghìn tỷ đồng. 

Đáng chú ý, xét trong toàn bộ khu vực DN (DN nhà nước, DN ngoài nhà nước, DN FDI), một số chỉ tiêu cơ bản của khối FDI năm 2013 giảm so với năm 2000, như lợi nhuận giảm từ chiếm 52,4% xuống 45,4%, thuế và các khoản nộp ngân sách giảm từ chiếm 39,4% xuống 30,5%.  
Dù có nhiều ưu đãi, nhưng việc thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực được đặc biệt ưu tiên là công nghệ cao, nông nghiệp và địa bàn kinh tế khó khăn nhiều năm qua là không đạt được.
 
Theo Mai Nguyễn
Dân Việt
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *