Đầu tư 09/04/2015 23:05

“Không có đầu tư nước ngoài, Việt Nam không thể phát triển như hôm nay”

FICA – Tuy nhiên hiện vẫn tồn tại bất cấp về mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Trong số các nhà cung cấp linh kiện phụ trợ cho công ty Canon và Samsung, thì doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm gần 10%.

Ông Đỗ Nhất Hoàng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến kinh tế Việt Nam” do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 9/4, ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những kênh rất quan trọng giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đồng thời FDI cũng đóng vai trò không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

FDI giúp thúc đẩy phát triển các nghề mới, đặc biệt là những nghề đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao, do đó có tác dụng to lớn đối với quá trình công nghiệp hóa, dịch chuyển cơ cấu kinh tế nhanh và bền vững.

Cho đến nay, FDI đã trở thành một thành phần quan trọng của nền kinh tế, đầu tư toàn xã hội của FDI khoảng 22-25%, đóng góp vào ngân sách khoảng 14-15%.

Ông Hoàng cho rằng, Nghị định về đầu tư nước ngoài năm 1997 mở đường cho các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam là một đột phá về tư duy, rất phù hợp với thời cuộc.

Từ khi ban hành năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài (nay là Luật Đầu tư), đã liên tục được sửa đổi cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Năm 1990 sửa đổi, năm 1992 sửa đổi, năm 1996 ban hành Luật mới, năm 2000 sửa đổi, năm 2005 ban hành Luật mới và năm 2014 sửa đổi. Trong thời gian ngắn, Luật đã được sửa, ban hành mới đến 6 lần, thể hiện tính cầu thị, luôn cập nhật nhằm thu hút đầu tư có hiệu quả hơn.

“Chúng ta phải đánh giá cao đóng góp của đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế-xã hội trong nước, không có đầu tư nước ngoài (FDI) thì Việt Nam không thể phát triển như ngày hôm nay” ông Hoàng nhìn nhận.

Tuy nhiên dưới góc độ quản lý nhà nước, cần có các chính sách tốt, tạo hành lang pháp lý cho FDI hoạt động và có nhiều tác động lan tỏa tích cực tới khu vực doanh nghiệp trong nước. Theo ông, trong thời gian tới Việt Nam cần phải ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng chương trình hành động cụ thể; hỗ trợ vốn có các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ và chú trọng tháo gỡ các khó khăn cho doanh  nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi.

Đồng quan điểm với ông Đỗ Nhất Hoàng, ông Vũ Quốc Huy – Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá cao tầm quan trọng của FDI tới kinh tế Việt Nam. Các dự án FDI trong các khu công nghiệp chiếm 80%, giải quyết việc làm cho 2,4 triệu lao động.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số bất cập đó là mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước chưa được chặt chẽ do một số nguyên nhân như: các doanh nghiệp trong nước còn yếu về trình độ quản lý, trình độ sản xuất, vốn, năng lực kinh doanh, khả năng hội nhập.

Ông Huy dẫn chứng, trong số các nhà cung cấp linh kiện phụ trợ cho công ty Canon và Samsung, thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm gần 10% trên tổng số các nhà cung cấp. Để giải quyết bất cập nói trên, ông Huy cũng cho rằng cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước  trong việc  đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Đồng thời, tăng cường vai trò chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các viện, trung tâm, tổ chức nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp…

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *