Đầu tư 07/04/2015 10:21

Bộ GTVT cần thanh tra ngay các dự án "dính" nghi án tiêu cực

FICA - Theo TS. Dương Thanh Biểu - nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ Giao thông vận tải cần tổ chức thanh tra ngay các dự án giao thông đã được Ngân hàng Thế giới và cơ quan công tố Hàn Quốc nhắc tới trong những nghi án tiêu cực.

 
TS. Dương Thanh Biểu.
TS. Dương Thanh Biểu.

Trao đổi với PV Dân trí, TS. Dương Thanh Biểu cho rằng những thông tin mà Ngân hàng Thế giới và cơ quan công tố Hàn Quốc công bố mới đây liên quan đến tiêu cực trong các dự án giao thông ở Việt Nam thực sự là những căn cứ để cơ quan chức năng Việt Nam phải vào cuộc xử lý trong thời gian sớm nhất.

Phóng viên: Có thể coi đó là những tin báo tố giác tội phạm để các cơ quan điều tra Việt Nam phải vào cuộc xử lý ngay không, thưa ông?

TS. Dương Thanh Biểu: Tôi cho rằng đây là những căn cứ. Nhưng vì thông tin ở nước ngoài nên theo quy định phải có thủ tục chuyển giao tài liệu cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam để điều tra, xử lý. Theo Luật Tương trợ tư pháp thì đầu mối đề nghị, tiếp nhận hồ sơ vụ việc ở đây chính là VKSND Tối cao. VKSND Tối cao có quyền đề nghị phía bạn hỗ trợ thông tin và sau khi có cơ sở thì phối hợp với các cơ quan chức năng khác điều tra, xem xét có khởi tố vụ án hay không.

Nếu là nước mà Việt Nam đã ký hiệp định tương trợ tư pháp rồi thì họ có trách nhiệm phải chuyển giao cho chúng ta, nhưng với nước mà chúng ta chưa ký thì cũng còn tùy thuộc vào sự nhiệt tình của họ.

Tức là Viện trưởng VKSND Tối cao hoàn toàn có thể gửi văn bản đề nghị Ngân hàng Thế giới và cơ quan công tố Hàn Quốc cung cấp thông tin, hồ sơ vụ việc để có căn cứ xử lý như đã từng làm trong vụ Tập đoàn JTC (Nhật Bản) hối lộ quan chức ngành đường sắt Việt Nam 80 triệu Yên?

Đúng là như vậy.

Nhưng việc trước mắt, theo ông, Bộ Giao thông vận tải cần thiết phải tiến hành thanh tra ngay các “địa chỉ” đã được Ngân hàng Thế giới và cơ quan công tố Hàn Quốc nêu ra có dính líu tới tiêu cực?

Đó là việc rất tốt và theo quy định pháp luật hiện nay thì cơ quan có thẩm quyền thoải mái làm, không phải chỉ chờ thông tin của nước ngoài. Lâu nay công tác thanh tra nội bộ của chúng ta rất yếu. Bây giờ để nước ngoài làm và phát hiện ra như vậy thì Bộ Giao thông vận tải phải tiến hành thủ tục để thanh tra ngay.

Một dự án ở Đà Nẵng mà Công ty Louis Berger Group tham gia (Ảnh minh họa)
Một dự án ở Đà Nẵng mà Công ty Louis Berger Group tham gia (Ảnh minh họa)

Việc nước ngoài liên tục phát hiện “giúp” Việt Nam những nghi án hối lộ, tiêu cực trong các dự án giao thông cho thấy rất nhiều điều?

Tôi cho rằng việc Ngân hàng Thế giới và cơ quan công tố Hàn Quốc có thông báo một số hiện tượng tiêu cực trong đầu tư các dự án giao thông ở Việt Nam khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều, bởi từ trước tới nay các vụ tham nhũng ODA hầu hết do nước ngoài phát hiện giúp cho mình. Chúng ta chưa phát hiện được vụ nào.

Những sự việc đó buộc chúng ta phải suy nghĩ về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm tham nhũng ở trong nước. Công tác thu thập tài liệu, thanh tra, đấu tranh với những tiêu cực trong những dự án tương tự như vậy trong nước ta đang có vấn đề và buộc các cơ quan liên quan cần rút kinh nghiệm để công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả hơn.

Những thông tin như vậy hết sức cần thiết và theo Luật Tương trợ tư pháp thì đây là những tư liệu tốt, nên các cơ quan có trách nhiệm cần đặt vấn đề với cơ quan tư pháp nước bạn để có được hồ sơ đầy đủ những vụ việc đó.

Những vụ tiêu cực xảy ra với vốn vay ODA, vay vốn nước ngoài luôn được nhân dân rất quan tâm và bức xúc. Chính vì thế phải làm sao để có được câu trả lời thỏa đáng và thông tin lại cho người dân được rõ.

Xin cảm ơn ông !

         Các bê bối, tiêu cực nước ngoài đã phát hiện “giúp” Việt Nam

- Năm 2008, phía Nhật Bản bắt giữ nhiều lãnh đạo Công ty tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI) vì hành vi hối lộ hơn 2,4 triệu USD cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ - nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP HCM. Ngày 1/9/2011, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã chấp nhận một phần đơn kháng cáo, tuyên giảm hình phạt từ chung thân xuống còn 20 năm (mức cao nhất của án tù có thời hạn) đối với ông Huỳnh Ngọc Sĩ về tội "nhận hối lộ".

- Năm 2012, Đan Mạch tuyên bố từng tạm dừng cấp vốn ODA vì phát hiện các dấu hiệu bất thường về tài chính, với số tiền hơn nửa triệu USD trong 3 dự án.

- Năm 2014, Nhật Bản đã bắt giữ một số quan chức Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) vì tội hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam hơn 80 triệu Yên (hơn 16 tỷ đồng) trong dự án đường sắt đô thị số 1 TP Hà Nội (đoạn Yên Viên- Ngọc Hồi). Trong vụ việc này, đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều quan chức thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Tháng 4/2014, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã gửi văn bản tới Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản đề nghị trao đổi thông tin chính thức để làm sáng tỏ nghi án hối lộ này.

- Trong những ngày đầu tháng 4/2015, Ngân hàng Thế giới (WB) đã quyết định không cho phép Công ty Louis Berger Group (LBG, Mỹ) tham gia vào các dự án sử dụng vốn của mình, do có liên quan đến hành vi tham nhũng trong 2 dự án tại Việt Nam: Giao thông Nông thôn 3 và Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên ở TP Đà Nẵng.

Theo thông báo của WB, công ty này (LBG) đã trả các khoản tiền có yếu tố tham nhũng cho quan chức. Tiếp đó, báo chí Hàn Quốc phản ánh cựu CEO Tập đoàn POSCO bị cơ quan công tố nước này phát lệnh tạm giam với cáo buộc là đã tạo ra quỹ đen khoảng 10 tỷ won và biển thủ 4 tỷ won từ quỹ này khi thực hiện các dự án của Công ty xây dựng POSCO E&C tại Việt Nam trên cương vị Giám đốc chi nhánh nước ngoài của Tập đoàn giai đoạn 2009 - 2012. Trong danh sách các dự án được nêu có một số dự án xây dựng đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - Bộ Giao thông vận tải, làm chủ đầu tư. 

 
Thế Kha (thực hiện)
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *