Đầu tư 08/04/2015 11:48

Tư nhân ồ ạt “nhảy” vào sân bay

Hiện tại, hầu hết các cảng hàng không đều có nhà đầu tư ngỏ ý được rót vốn. Tuy nhiên, việc này cũng chưa khẳng định gì nhiều, vì hiện tại, các nhà đầu tư tham gia chỉ mang tính “giữ chỗ”.

Hạ tầng hàng không có thực sự là “miếng bánh ngon”?

Hạ tầng hàng không có thực sự là “miếng bánh ngon”?

Vốn đầu tư “khủng” nhưng vẫn “sốt”

Ý tưởng kêu gọi tư nhân cùng tham gia đầu tư xây dựng cảng hàng không mới được Bộ GTVT đưa ra vào cuối tháng 2-2015, đồng thời Bộ này cũng giao Cục Hàng không gấp rút hoàn thiện Đề án xã hội hóa. Trong khi Đề án còn chưa hoàn thiện thì đến thời điểm này, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cho hay, rất nhiều nhà đầu tư đã ngỏ ý được tham gia.

 
Nhanh nhạy nhất là hãng hàng không Vietjet Air, ngay từ đầu tháng 2-2015 đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT “bán” lại quyền khai thác toàn bộ nhà ga T1 Nội Bài (bao gồm cả sảnh E) trong thời hạn 20 năm. Và đây cũng là điểm “nóng” nhất trong cuộc chạy đua giành quyền khai thác các cảng hàng không. Chỉ 3 tuần sau, Vietnam Airlines cũng có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xin được chuyển nhượng quyền khai thác T1 Nội Bài (không bao gồm sảnh E). Theo tính toán của ACV, giá trị quyết toán của nhà ga T1 Nội Bài là 990 tỷ đồng và sảnh E là 500 tỷ đồng. 

Sau đó là hàng loạt nhà đầu tư cùng tham gia vào lĩnh vực cảng hàng không như Jetstar Pacific xin “mua” một phần sân bay Đà Nẵng. Dự kiến, sẽ đầu tư nhà ga hành khách quốc tế với công suất 6 triệu khách/năm, mức đầu tư 3.000 tỷ đồng. Cùng “ngắm” sân bay này còn có liên danh 3 nhà đầu tư trong nước là Công ty CP Dịch vụ hàng không Thăng Long (Taseco), Công ty CP Đầu tư AOV, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp).
 
Cùng với Nội Bài, Đà Nẵng, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cũng nhanh chóng lọt vào đích ngắm của các nhà đầu tư, khi Công ty CP Tập đoàn T&T đã ngỏ ý đầu tư vào sân bay này theo 2 phương án: hoặc mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động. Tổng mức đầu tư sân bay này là 4.300 tỷ đồng. 

Trong khi đó, với dự án nhà ga hành khách quốc tế cảng hàng không Cam Ranh với kinh phí đầu tư tự kiến 1.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết, cũng đã có 2 nhà đầu tư xin đầu tư nhà ga quy mô 2 triệu hành khách/năm. 

Phần lớn mới chỉ “giữ chỗ”?

Đầu tư vào hạ tầng hàng không cần số vốn lớn, nhưng đã thu hút được không ít nhà đầu tư tham gia. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế lý giải, lĩnh vực hàng không Việt Nam hiện được Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) đánh giá nằm trong Top 3 về tốc độ phát triển. Và thị trường hàng không Việt Nam còn nhiều tiềm năng để mở rộng. 

TS Nguyễn Xuân Thành (Chương trình kinh tế Fulbright) cho rằng: “Việc có nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng hàng không đã thể hiện được tính hấp dẫn ở một lĩnh vực đầu tư còn mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, khung pháp lý, chính sách, giá cả cũng như cơ chế nhượng quyền chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, trừ một số sân bay lớn như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất là kinh doanh có lãi nên mọi động thái của các nhà đầu tư vào thời điểm này chưa khẳng định gì nhiều. Các nhà đầu tư tham gia hiện chỉ mang tính “giữ chỗ”...

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế này còn lo ngại tài sản Nhà nước sẽ bị bán rẻ nếu công tác định giá không được làm khoa học, minh bạch. Theo TS Nguyễn Xuân Thành, Nhà nước cần thuê nhiều đơn vị tư vấn để tài sản công được định giá đúng hoặc ít nhất là có sự tham chiếu lẫn nhau, hạn chế thất thu cho Nhà nước. Đặc biệt, cần tính toán để tránh tình trạng độc quyền ở sân bay khi nhượng lại cho một hãng hàng không khai thác. “Tại nhiều nước đã áp dụng cơ chế giới hạn về tỷ lệ sở hữu vốn của một hãng hàng không tại sân bay để tránh tình trạng độc quyền. Còn đối với các sân bay lớn có nhiều nhà ga thì nên chia nhỏ từng nhà ga, hạng mục để đấu thầu”, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.
 
Theo Ngân Tuyền
An ninh Thủ đô
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *