Tài chính ngân hàng 16/08/2023 19:55

Thủ tướng: Nghiên cứu sửa đổi Thông tư 06, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính… nghiên cứu các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.

Cụ thể, theo công văn, để tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu với tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người dân, bảo đảm chính sách khi ban hành phải đúng, trúng, không cản trở sự phát triển và phù hợp, kịp thời xử lý vướng mắc.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẩn trương chủ trì họp ngay với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để nghe báo cáo và nghiên cứu chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2023 ngày 28/6/2023 và những điểm bất hợp lý của Thông tư số 03 ngày 17/4/2023. Công văn yêu cầu báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/8.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 06 ngày 28/6/2023 (sửa đổi Thông tư 39/2016), có hiệu lực từ 1/9/2023. Thông tư quy định trường hợp các tổ chức tín dụng không được cho vay. Ngay sau khi Thông tư 06 được ban hành, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Thông tư. 

Đại diện Hiệp hội này cho rằng, Thông tư dựng thêm "rào chắn" tiếp cận tín dụng so với trước đây, do đã quy định tăng thêm từ 6 lên 10 trường hợp mà tổ chức tín dụng không được cho vay, dẫn đến tình trạng một số khách hàng có nhu cầu vay vốn, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư sẽ không tiếp cận được tín dụng.

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị họp tìm giải pháp tăng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp (Ảnh: Mạnh Quân).

Còn Thông tư số 03 (dừng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021), có hiệu lực từ 24/4 đến hết năm 2023 quy định việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.

Trước đó, theo quy định áp dụng từ 2021, ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết sau 12 tháng từ khi trái phiếu này được bán và chỉ được mua lại chính loại mà tổ chức tín dụng đã bán trước đó. Nay Ngân hàng Nhà nước dừng điều khoản này, đồng nghĩa việc cho phép tổ chức tín dụng mua lại ngay trái phiếu chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM mà tổ chức này đã bán ra.

Điều kiện là bên mua trái phiếu trước đó đã thanh toán đủ tiền cho tổ chức tín dụng tại thời điểm ký hợp đồng. Đồng thời, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của các ngân hàng.

Thảo Thu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *