Tài chính ngân hàng 24/07/2023 14:32

Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giảm thêm 0,5% lãi suất điều hành

KBSV cho rằng trong nửa cuối năm mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng được duy trì quanh ngưỡng 6,2%, lãi suất cho vay 12 tháng bình quân ở mức 9,5% và NHNN có thể tiếp tục hạ 0,5% các loại lãi suất điều hành.

Theo báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), đơn vị phân tích cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tiếp tục hạ các loại lãi suất chính sách thêm 0,5 điểm phần trăm trong hai quý cuối năm.

KBSV cũng đưa ra dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 6,2% (giảm -1,8 điểm phần trăm so với đầu năm. Lãi suất cho vay bình quân kỳ hạn 12 tháng dù có độ trễ tuy nhiên cũng sẽ có xu hướng giảm là chủ đạo với mức giảm 1,8-2,3 điểm phần trăm so với đầu năm.

Nhóm phân tích chỉ ra ba yếu tố khách quan và chủ quan hỗ trợ xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất.

Đầu tiên là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 sau khi GDP 6 tháng ước chỉ đạt 3,72%, thấp hơn so với kịch bản 6,2% đã đề ra. Dù vậy, Chính Phủ vẫn chưa có ý định thay đổi mục tiêu GDP năm nay, đồng nghĩa với việc để đạt được mức tăng trưởng 6% - 6,5% thì cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa từ phía nhà hoạch định chính sách. 

Vì vậy, với ưu tiên hàng đầu là duy trì tăng trưởng kinh tế, KBSV cho rằng NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành nếu không có biến động bất thường về tỷ giá.

Thứ hai là yếu tố lạm phát đã có xu hướng hạ nhiệt từ đầu năm. Với lạm phát tháng 6 tăng 2% so với cùng kỳ, giảm so với mức đỉnh 4,9% vào tháng 1. Tuy nhiên, do nền kinh tế đang phục hồi chậm, tiêu dùng nội địa yếu, cùng với những yếu tố khác như giảm 2% thuế VAT, chỉ số giá nhập khẩu bình ổn, lạm phát sẽ chưa gây ra nhiều áp lực trong thời gian tới. 

Do vậy, nhóm chuyên gia dự báo CPI của Việt Nam năm 2023 ở mức 2,8% so với cùng kỳ - kiểm soát tốt trong mục tiêu 4,5% của Quốc hội sẽ là cơ sở để lãi suất huy động giảm trong thời gian tới. 

Mô hình tương quan cho thấy với mỗi 1% giảm của lạm phát kéo theo mức giảm 0,43% của lãi suất huy động.

Yếu tố thứ ba tác động đến lãi suất là việc tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022 và nhiều khả năng tăng trưởng cả năm sẽ cách xa mục tiêu của NHNN đưa ra, KBSV nhận định. 

Công ty chứng khoán này cho biết trong một cuộc điều tra gần đây do NHNN thực hiện, các ngân hàng thương mại kỳ vọng dư nợ tín dụng tăng 12,5%, điều chỉnh giảm 0,6% so với kỳ điều tra trước. Mặc dù vậy, NHNN vẫn tỏ ra kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% - 15% trong năm nay. 

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh kể từ đầu năm, kéo theo chi phí vốn các ngân hàng được kéo giảm (đặc biệt khi các khoản vay lãi suất cao cuối năm ngoái đáo hạn), các ngân hàng có động lực để hạ lãi suất cho vay nhằm thu hút khách hàng vay mới.

Với các yếu tố tác động trên, KBSV cho rằng xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất là tương đối rõ nét trong 6 tháng cuối năm. Dù vậy, mức giảm thực tế sẽ còn phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế, sức khoẻ của doanh nghiệp, rủi ro từ thị trường bất động sản cũng như vấn đề về thị trường trái phiếu doanh nghiệp... qua đó tác động đến rủi ro tín dụng của ngân hàng. 

Nếu rủi ro tín dụng của các ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao, các nhà băng sẽ yêu cầu lãi vay cao để bù đắp chi phí trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, qua đó cản trở nỗ lực giảm lãi suất của Chính phủ và NHNN.

KBSV cho rằng nợ xấu đã gia tăng đáng kể trong quý I, và có thể tiếp tục xu hướng tăng trong quý II. Dù vậy, với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và NHNN, đơn vị phân tích kỳ vọng yếu tố này sẽ dần được cải thiện trong nửa cuối năm.

Nhật Quang

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *