Quốc tế 12/06/2014 15:52

Tòa trọng tài UNCLOS xử vụ Philippines kiện Trung Quốc như thế nào?

Năm 2013, Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài của Công ước Liên hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), tuy nhiên cơ chế giải quyết của tòa vẫn còn là điều khá xa lạ với nhiều người.

Bản đồ khu vực tranh chấp bãi cạn Scarborough

Bản đồ khu vực tranh chấp bãi cạn Scarborough

Dưới đây là cơ chế làm việc của tòa trọng tài cũng như cách xử lý tranh chấp được quy định trong UNCLOS.

Philippine dùng lý lẽ nào để kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài?

Theo nhật báo Inquirer, Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài thường trực (PCA) có trụ sở tại The Hague theo Phụ lục VII của UNCLOS hồi năm 2013. Và từ đó đến nay, tòa đã 2 lần đưa ra lệnh tố tụng đối với các bên liên quan. Lần gần đây nhất là vào ngày 3.6, khi tòa tuyên bố Trung Quốc có thời gian 6 tháng, hạn chót là ngày 15.12.2014 để nộp các bằng chứng chống lại cáo buộc của Philippines.

Toàn văn UNCLOS (gồm tổng cộng XVII chương, 320 điều), có 21 điều thuộc chương XV quy định về cách thức giải quyết các tranh chấp trên biển (từ điều 279 đến điều 299), gồm 3 phần.

Phần 1 của chương XV gồm các điều từ 279 đến 285, trong đó quy định trách nhiệm của các bên trong việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, nhưng Philippines cho rằng Trung Quốc không có thành ý giải quyết vụ việc thông qua đàm phán nên đã áp dụng phần 2 của chương XV (từ điều 286 đến 297), quy định về các thủ tục pháp lý cần thiết để có thể ràng buộc các bên.

Trong đó, Philippines đã dựa theo điều 287 để kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài. Khoản 1 điều 287 quy định: Khi ký kết, phê chuẩn hay gia nhập Công ước này hoặc bất cứ lúc nào về sau, mỗi quốc gia được tự do lựa chọn, bằng một tuyên bố văn bản, hay một trong các phương tiện dưới đây để giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước này: 
 
(a) Tòa án Quốc tế về Luật Biển được thành lập theo Phụ lục VI.
 
 (b) Tòa án công lý quốc tế.
 
 (c) Hội đồng trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII.
 
 (d) Trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII cho một hoặc nhiều hơn các loại tranh chấp có trong đó.
 

Mặc dù Trung Quốc tuyên bố không tham gia vụ kiện của Philippines, nhưng theo khoản 3 điều 287 thì: Một quốc gia thành viên tham gia vào một vụ tranh chấp mà không được một tuyên bố còn có hiệu lực bảo vệ, thì được xem là đã chấp nhận thủ tục trọng tài đã trù định ở Phụ lục VII.

Để ràng buộc các quốc gia phải ra tòa án trọng tài, khoản 5 điều 287 nêu rõ: Nếu các bên tranh chấp không chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp, thì quốc gia khác có thể đơn phương đưa tranh chấp ra tòa án trọng tài theo Phụ lục VII, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

Cơ chế giải quyết của tòa trọng tài

Cơ chế giải quyết tranh chấp của tòa trọng tài được quy định trong Phụ lục VII của UNCLOS (gồm 13 điều). Theo quy định tại điều 1 của Phụ lục VII, “bất kỳ bên tranh chấp nào cũng có thể đưa tranh chấp ra tố tụng trước tòa trọng tài bằng cách thông báo bằng văn bản cho bên còn lại hoặc các bên tranh chấp”.

Tòa trọng tài cũng quy định nghĩa vụ của các bên tranh chấp thông qua điều 6 của Phụ lục VII là “(a) phải cung cấp cho tòa tất cả các tài liệu, vật chứng và thông tin có liên quan và (b) cho phép tòa khi cần thiết có thể gọi nhân chứng hoặc các chuyên gia, nhận các bằng chứng và tiếp cận các địa phương có liên quan”.

Một điều khoản quan trọng trong cơ chế giải quyết tranh chấp của tòa trọng tài chính là điều 9, quy định về sự xuất hiện của các bên tranh chấp.

Theo đó, “nếu một trong các bên tranh chấp không xuất hiện trước tòa trọng tài hoặc không bảo vệ được tuyên bố của mình thì bên kia có quyền yêu cầu tòa án tiếp tục tố tụng và đưa ra phán quyết. Bên vắng mặt hay thất bại của một bên trong việc bảo vệ tuyên bố của mình không được gây ra ngăn trở đối với quá trình tố tụng”.

Như vậy, với điều khoản này, mặc dù Trung Quốc có hoặc không tham gia tranh tụng tại tòa trọng tài, thì Philippines vẫn có thể yêu cầu tòa tiếp tục thụ lý vụ kiện và đưa ra phán quyết.

Theo Hoài Anh

Một thế giới

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *