Quốc tế 26/06/2021 06:24

Kỷ nguyên đào tiền mã hóa tại Trung Quốc đã kết thúc?

Lệnh cấm khai thác tiền điện tử của Trung Quốc đã làm tê liệt một ngành công nghiệp chiếm hơn một nửa sản lượng bitcoin toàn cầu khi những thợ đào rời khỏi nước này để tới Texas hay Kazakhstan.

Mike Huang, người điều hành một trang trại đào coin ở tỉnh Tứ Xuyên cho biết: "Nhiều thợ đào đang rời khỏi công ty để tuân thủ các chính sách của chính phủ. Máy đào cũng đang bán như sắt vụn".

Kỷ nguyên đào tiền mã hóa tại Trung Quốc đã kết thúc? - 1

Lệnh cấm khai thác tiền điện tử của Trung Quốc đã làm tê liệt một ngành công nghiệp chiếm hơn một nửa sản lượng bitcoin toàn cầu (Ảnh: Reuters).

Đồng loạt cấm trên diện rộng

Cách đây một tuần, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên - trung tâm khai thác bitcoin lớn thứ 2 của Trung Quốc sau Tân Cương - đã ban hành lệnh cấm khai thác tiền mã hóa.

Trước đó, cuối tháng 5, Hội đồng nhà nước Trung Quốc cũng tuyên bố kiểm soát các giao dịch và khai thác tiền điện tử nhằm ngăn chặn rủi ro tài chính sau khi cơn sốt bitcoin toàn cầu làm hồi sinh nạn đầu cơ tiền điện tử tại nước này. Những động thái này diễn ra trong bối cảnh ngân hàng trung ương Trung Quốc đang thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.

Các nhà chức trách Trung Quốc cho rằng, tiền điện tử phá vỡ trật tự kinh tế và tạo điều kiện cho việc chuyển đổi tài sản bất hợp pháp và rửa tiền.

Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh cũng lo ngại về sự cạnh tranh tiềm tàng của đồng bitcoin đối với đồng nhân dân tệ số. Đồng thời nước này cũng lo ngại về hoạt động khai thác bitcoin ngốn quá nhiều điện năng có thể gây hại cho môi trường.

Thực hiện chỉ đạo từ Bắc Kinh, các trung tâm khai thác tiền điện tử của Trung Quốc như Nội Mông, Tân Cương và Tứ Xuyên đã tiết lộ loạt biện pháp nhằm ngăn chặn tận gốc các hoạt động kinh doanh tiền điện tử.

Ảnh hưởng của những lệnh cấm này, đồng bitcoin có lúc đã rớt khỏi mốc 30.000 USD, mất một nửa giá so với mức đỉnh đạt được hồi tháng 4 khi giới đầu tư toàn cầu lo ngại về sự sụp đổ mạnh hơn của thị trường này.

Thợ đào coin ồ ạt bán máy, chuyển ra nước ngoài

"Nếu chính phủ không cho phép khai thác tiền mã hóa, tôi chỉ có thể nghỉ việc", Liu Hongfei, một nhà điều hành trang trại khai thác tiền điện tử ở tỉnh Vân Nam cho biết.

Theo ước tính của Adam James, biên tập viên cấp cao tại OKEx Insights, lệnh cấm khai thác bitcoin của Trung Quốc có thể khiến 90% cơ sở khai thác tiền mã hóa của nước này ngừng hoạt động.

Nishant Sharma - người sáng lập BlocksBridge Consulting, một công ty tư vấn tập trung vào ngành công nghiệp khai thác tiền mã hóa - cho biết hầu hết các thợ đào ở Trung Quốc đang "tắt máy và bán chúng".

Do Trung Quốc đóng cửa hoạt động khai thác nên các trung tâm khai thác tiền điện tử ở nước ngoài được hưởng lợi. "Đây là sự kết thúc của kỷ nguyên đào tiền mã hóa ở Trung Quốc", Winston Ma - giảng viên trợ giảng của Trường Luật NYU nói.

Hiện giá các giàn máy khai thác bitcoin tại Trung Quốc đại lục đã giảm mạnh sau lệnh cấm. Theo một thợ đào ở Tứ Xuyên, hồi tháng 4 và tháng 5, một chiếc máy đào được bán với giá khoảng 4.000 nhân dân tệ (tương đương 620 USD) thì nay chỉ có thể bán với giá rất thấp từ 700 - 800 nhân dân tệ.

Bitman, nhà sản xuất máy khai thác tiền số lớn nhất Trung Quốc cho biết, họ đã tạm ngừng bán các sản phẩm của mình và đang tìm kiếm nguồn cung cấp ở nước ngoài cho các khách hàng của mình bao gồm Mỹ, Canada, Australia, Nga và Kazakhstan.

Một số công ty khai thác lớn khác của Trung Quốc cũng đã chuyển hoạt động ra nước ngoài.

Công ty khai thác BIT Mining hôm đầu tuần cho biết họ đã chuyển lô 320 máy đào đầu tiên tới Kazakhstan. Lô thứ hai và thứ 3 với tổng cộng 2.600 máy sẽ được vận chuyển tới quốc gia Trung Á này vào ngày 1/7.

"Chúng tôi đang tăng tốc phát triển ở nước ngoài để tìm các nguồn khai thác chất lượng cao thay thế", Xianfeng Yang - CEO của BIT Mining cho biết và nói thêm, công ty này cũng đã đầu tư vào các trung tâm dữ liệu ở Texas.

Huang Dezhi, một nhà điều hành trung tâm khai thác tiền số ở Tứ Xuyên, cho biết nhóm của ông cũng đang tìm các điểm đến ở nước ngoài như Kazakhstan.

Tuy nhiên, một số thợ đào vẫn hy vọng lệnh cấm sẽ được nới lỏng. "Nguồn điện bị cắt nhưng chúng tôi không nhận được lệnh phải phá dỡ. Vì vậy, chúng tôi sẽ chờ xem, vẫn còn có chút hy vọng", một thợ đào ở Tứ Xuyên nói.

Nhật Linh
Theo Reuters

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *