Quốc tế 09/09/2022 09:34

ECB tăng lãi suất mạnh chưa từng có

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa công bố tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, nâng lãi suất huy động từ mức 0% lên 0,75%.

Đây là lần nâng lãi suất mạnh nhất trên toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu trong bối cảnh lạm phát tăng vọt ở nhiều nước.

Trong tuyên bố của mình, ECB cho rằng đây là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo mức lạm phát quay trở lại mục tiêu trung hạn 2%.

ECB cho biết họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa vì lạm phát vẫn ở mức quá cao và có khả năng neo trên mức mục tiêu trong một thời gian dài.

Ngân hàng trung ương châu Âu cũng dự báo lạm phát sẽ ở mức trung bình 8,1% trong năm nay và sẽ hạ xuống mức 5,5% trong năm 2023 và về mức 2,3% trong năm 2024.

ECB tăng lãi suất mạnh chưa từng có - 1

ECB đã duy trì mức lãi suất âm kể từ năm 2014 và đây là lần tăng mạnh chưa từng có (Ảnh: Getty).

Các thị trường đa phần đều dự đoán ECB sẽ tăng lãi suất ở mức 0,75%, với việc đồng euro sẽ duy trì đi ngang so với đồng bảng Anh và tăng nhẹ so với đồng USD lên mức 1,0005 USD/EUR. Trước đó, hôm đầu tuần đồng euro đã giảm xuống dưới mức 0,99 USD/EUR, lần đầu tiên trong 20 năm.

Đợt tăng lãi suất lần này nối tiếp đợt tăng từ mức -0,5% lên 0% trong cuộc họp hồi tháng 6. Trước đó, ECB - cơ quan thiết lập chính sách tiền tệ cho 19 quốc gia sử dụng đồng euro - đã duy trì mức lãi suất âm kể từ năm 2014 nhằm thúc đẩy chi tiêu và chống lại lạm phát thấp.

Nhưng hiện nay, họ đang phải đối mặt với một vấn đề rất khác đó là lạm phát leo thang, với việc giá tiêu dùng trong khu vực đồng euro tăng 9,1% trong tháng 8, lập kỷ lục tháng thứ 9 liên tiếp.

Lạm phát ở khu vực châu Âu được thúc đẩy bởi giá năng lượng tăng vọt sau khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra. Giá cả cũng tăng mạnh trong các lĩnh vực như thực phẩm, quần áo, ô tô, thiết bị nhà ở và các dịch vụ. Ngoài giá năng lượng tăng cao, các yếu tố như các vấn đề về chuỗi cung ứng và tác động của các đợt nắng nóng cũng góp phần làm giá cả tăng lên.

Tổng sản phẩm quốc nội trên toàn khu vực châu Âu đã tăng 0,8% trong quý II, tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng khả năng suy thoái trên toàn khu vực trong những tháng tới là không thể tránh khỏi khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trong khi các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí đầu vào cao hơn.

Tương tự như Mỹ, châu Âu cũng bị cảnh báo suy thoái bất chấp thị trường lao động tốt hơn với tỷ lệ thất nghiệp trên toàn khối thấp kỷ lục, ở mức 6,6%.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết Hội đồng thống đốc của ngân hàng trung ương đã nhất trí tăng 3 mức lãi suất chủ chốt thêm 0,75%. Theo bà, khi đối mặt với lạm phát cực kỳ cao, nghiêm trọng và trải dài trên nhiều lĩnh vực thì cần phải có hành động kiên quyết.

Khi được hỏi về việc liệu suy thoái có nằm trong dự báo của ECB hay không, bà Lagarde cho biết kịch bản cơ bản của khu vực vẫn là tăng trưởng 3,1% trong năm nay, 0,9% trong năm sau và 1,9% trong năm 2024, nghĩa là tránh được một cuộc suy thoái.

Nhưng với kịch bản bi quan, bao gồm cả rủi ro Nga ngừng cung cấp hoàn toàn nguồn cung năng lượng cho châu Âu và buộc khu vực phải thực hiện phân bổ năng lượng, thì tăng trưởng GDP của khối này sẽ ở mức 2,9% trong năm nay và giảm 0,9% trong năm 2023, sau đó tăng 1,9% trong năm 2024.

 

Theo Nhật Linh

CNBC

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *