Quốc tế 05/04/2024 06:45

Chứng khoán Mỹ 'đầu xuôi, đuôi không lọt' vì phát biểu của một quan chức Fed

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ không thể duy trì sắc xanh ghi nhận trong phần lớn phiên giao dịch.

Chứng khoán Mỹ không thể giữ vững thành quả tăng điểm ghi nhận trong phần lớn phiên giao dịch khi nỗi lo về khả năng Cục Dự trữ liên bang (Fed) không giảm lãi suất sớm như dự kiến xâm chiếm.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch 4/4, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 530,16 điểm, tương đương 1,35%, xuống 38.596,98 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2023, nối dài chuỗi phiên giảm liên tiếp lên con số bốn. Chỉ số S&P 500 giảm 1,23% xuống 5.147,21 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite “đi lùi” 1,4% xuống 16.049,08 điểm.

Cả ba chỉ số đều đảo chiều mạnh vào cuối phiên khi xuống thấp hơn 2% so với số điểm cao nhất ghi nhận trong ngày. Biên độ giao động của chỉ số Dow Jones được ghi nhận lên tới hơn 860 điểm.

Dow Jones có phiên giảm điểm mạnh nhất hơn 1 năm

Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari dội “gáo nước lạnh” vào thị trường khi bày tỏ sự băn khoăn về việc Ngân hàng trung ương Mỹ có nên cắt giảm lãi suất sớm hay không, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến lạm phát vẫn còn khó lường như ở thời điểm hiện tại. Quan điểm của ông hòa chung cùng các quan chức Fed khác, vốn cho rằng cơ quan này không nóng vội trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ngay lập tức bật tăng sau phát biểu trên lên 4,305% dù trước đó giảm mạnh từ ngưỡng cao nhất tính từ đầu năm 4,429% thiết lập trong phiên giao dịch trước đó. Đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ gây áp lực lên thị trường cổ phiếu.

“Nhà đầu tư đang hồi hộp chờ đợi”, Sam Stovall, Giám đốc chiến lược tại CFRA Research, nhận định. “Đà tăng lợi suất trái phiếu chính phủ là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm trong bối cảnh nhà đầu tư gia tăng quan ngại Fed sẽ trì hoãn quyết định giảm lãi suất, đi liền với tốc độ nới lỏng chậm hơn so với kỳ vọng”, ông chia sẻ.

Bên cạnh đó, đà tăng của giá dầu cùng khiến tâm lý nhà đầu tư bị lung lay. Tại Mỹ, giá dầu WTI đã vượt mốc 86 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, kéo theo quan ngại áp lực lạm phát gia tăng.

Hiện tại, sự quan tâm của thị trường đổ dồn vào báo cáo việc làm tháng 3, dự kiến công bố sáng 5/4 theo giờ địa phương. Đây là dữ liệu quan trọng cho Fed trong quá trình hoạch định chính sách tiền tệ. Giới chuyên gia vẫn nhìn thấy sức mạnh trên thị trường lao động nước này dù trước đó, số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 30/3 tăng lên ngưỡng 221.000 đơn vị, cao nhất hai tháng trở lại đây.

Đại Phú

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *