Quốc tế 04/02/2015 11:40

“Vết xe đổ” kiểu Hy Lạp có thể khiến Singapore tuột khỏi nước thu nhập cao

FICA - Bộ trưởng công nghiệp và thương mại Singapore ông Lim Hng Kiang vừa cảnh báo không có gì đảm bảo Singapore tiếp tục duy trì nước thu nhập cao nếu các chính sách quản lý yếu kém không phù hợp với thay đổi của nền kinh tế và chuyển động của thế giới.

Các yếu tố như dân số già và sự thay đổi thể trạng của các nền kinh tế Châu Âu và suy giảm của kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản cũng ảnh hưởng đến Singapore.

 

 

Phát biểu trước công chúng mới đây, ông này Lim nhấn mạnh “vết xe đổ” nợ công và cách quản lý yếu kém của Chính phủ Hy Lạp là lời cảnh báo để Chính phủ Singapore thay đổi cách quản lý, phù hợp với biến động của thời cuộc và giữ nhịp độ tăng trưởng hợp lý nhằm đảm bảo Singapore giữ vững được nước thu nhập cao.

 

Trích dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới WB) ông Lim cho biết Hy Lạp từng là 1 trong 13 quốc gia từ nước thu nhập trung bình chuyển đổi thành nước thu nhập cao. Tuy nhiên, do cung cách quản lý yếu kém đã phá tan những thành tựu của đất nước này.

 

Hiện Singapore là một trong 10 nước thu nhập cao nhất thế giới. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới  (WB) tháng 7/2014 GDP bình quân/người của Singapore là 55.182 USD/người/năm (1.1 tỷ đồng), xếp trên Mỹ. Trong khi đó năm 2009, thu nhập bình quân/người của Hy Lạp đạt 17.440 USD, là 1 trong 26 nước có thu nhập bình quân trên người cao nhất thế giới.

 

Để chuyển đổi từ nước thu nhập thấp sang nước thu nhập trung bình là quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tự cung, tự cấp sang nền kinh tế công nghiệp, hiện đại hóa hoặc ứng dụng các yếu tố như nhân công giá rẻ, tăng cường lắp ráp máy móc, công nghệ… Tuy nhiên, để chuyển đổi sang nước thu nhập cao, các nhân tố như nguồn nhân lực giá rẻ, tài nguyên và lắp ráp máy móc sẽ không còn được coi là thế mạnh, các yếu tố như kỹ năng quản lý, đổi mới công nghệ và năng suất lao động mới là thế mạnh.

 

Mặc dù đưa ra những dự đoán sáng lạn cho nền kinh tế Singapore trong vòng 2 năm tới nhưng Bộ trưởng Lim cũng cảnh báo, sự già hóa dân số của Singapore đang là thách thức khiến các nhà điều hành chính sách của Singapore thay đổi cách quản lý và xây dựng chiến lược kinh tế trong trung và dài hạn.

 

Các biến động cải cách kinh tế của Trung Quốc gần đây, Nhật Bản và sự vực dậy của Mỹ cũng sẽ tác động đến luồng vốn di chuyển vào Quốc đảo Sư tử này. Sự suy thoái của Châu Âu, Trung Quốc và chính sách kinh tế mới của Nhật Bản sẽ tác động vào lượng vốn đầu tư vào Singapore.

 

Ông Lim cũng cho biết Singapore có thể tăng trưởng khoảng 2 – 4% trong những năm tới nhờ vào sự tăng trưởng của khối doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp địa phương. “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp địa phương đang ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng của Singapore. Họ đóng góp vào 25% tăng trưởng và hơn 80% lực lượng lao động của nước này. Chính vì vậy cần có chiến lược cải cách từ khu vực này”, ông Lim cho biết.

 

Ông Lim chỉ rõ, cơ cấu lại nền kinh tế để tạo ra công ăn việc làm phù hợp với nguyện vọng của tất cả người dân Singapore dựa trên một nền tảng giáo dục tốt hơn sẽ là chìa khóa cho Singapore trong thời gian t  ới.

 

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *