Góc nhìn 17/02/2021 15:54

Không thể cất cánh nền kinh tế bằng bất động sản

Chúng ta hình dung ra hình ảnh, mấy con sếu đầu đàn bay tít lên cao, trong khi đàn chim sẻ ở dưới đất loay hoay với những lo lắng cũ kỹ, vậy thử hỏi nền kinh tế bao giờ mới cất cánh và lớn mạnh thế nào được? Không thể cất cánh nền kinh tế bằng bất động sản được.

Chuyên gia Phạm Chi Lan

Đại dịch Covid-19 tác động lớn đến thế giới và Việt Nam, nó làm thay đổi toàn bộ khái niệm, học thuyết và vận hành lối cũ cho nền kinh tế. Thực tế, đại dịch chưa qua đi và hiện nó đang có khả năng đe dọa nền kinh tế Việt Nam là rất rõ rệt. Ngay ở các nước lớn, nơi có tiền lực kinh tế hàng đầu, các đợt tái bùng phát Covid-19 với chủng mới đã và đang làm tình hình trở nên khó khăn, phức tạp hơn.

Thành quả lớn thứ 2 của Việt Nam là chúng ta tăng trưởng dương mặc dù thấp so với kế hoạch, đạt hơn 2,91%. Tuy nhiên, đây là thành quả tốt so với nhiều nước khác, nhất là so với điều kiện bản thân mình.

Tuy nhiên, nếu đem câu chuyện tăng trưởng để nói về thành công của Việt Nam so với nước khác, tôi không tán thành bởi những nước khác bị Covid-19 rất nhiều, ảnh hưởng tới kinh tế rất lớn. Còn Việt Nam bị tác động Covid-19 nói chung là ít hơn các nước, nhưng tác động kinh tế rất lớn so với mình hình dung. 

Lẽ ra chỉ hơn 1.000 bệnh nhân, chi phí y tế không nhiều thì không tác động nhiều tới kinh tế, điều đó cho thấy hệ quả của những năm trước dồn lại là rất lớn vì mô hình phát triển của Việt Nam không ổn. 

Bên cạnh đó, mức độ phụ thuộc vào Mỹ ngày càng lớn và rủi ro, lớn, minh chứng là cuối năm 2020, Mỹ từng đưa chuyện thao túng tiền tệ để cánh báo Việt Nam. Việc này có từ cách đó hơn 1 năm giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng, phía Mỹ nghi ngờ nhiều mặt hàng xuất khẩu củ Việt Nam bị Trung Quốc lợi dụng thay đổi xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc để hưởng thuế ưu đãi. 

Ngoài ra, yếu kém nội tại của Việt Nam hiện vẫn nằm ở sự phụ thuộc FDI quá lớn, ngay khi doanh nghiệp FDI khó khăn, nền kih tế chịu tổn thương, trong khi mà FDI phần lớn là sử dụng Việt Nam làm điểm gia công hàng hóa, cầu xuất khẩu do tự doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chỉ chiếm chưa đến 30%, còn 72% giá trị xuất khẩu vẫn thuộc về FDI nên Việt Nam chịu rủi ro, khó khăn.

Người ta vẫn nói Việt Nam nguy cơ trở thành nền kinh tế rỗng ruột khi FDI rút chân đi, điều này rất đúng bởi loại bỏ FDI, chúng ta còn có những gì làm trụ cột quốc gia.

Mô hình và cách thức đầu tư nước ngoài chưa thay đổi, họ vẫn dựa vào Việt Nam như là nơi tận dụng nhân công giá rẻ để xuất khẩu, sử dụng công nghệ thấp nên giá trị gia tăng thấp...

Trong khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là cơ hội Việt Nam chuyển mình, tiếp nhận đầu tư từ các nước châu Âu vào công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao để tự chủ chuỗi cung ứng. Đến khi Covid-19 xuất hiện, nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp của họ chuyển khỏi Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) cũng có nhu cầu tìm kiếm chuỗi cung ứng mới. Việt Nam và Singaporer có cơ hội này nhưng Singapore không có FTA với châu Âu, Singapore cũng không phải cứ điểm sản xuất nên Việt Nam gần như rơi vào vị trí tốt nhất để lựa chọn, nhưng Việt Nam chưa làm được gì nhiều để chuẩn bị lôi cuốn được nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam.

Các nhà đầu tư châu Âu vẫn nói so với nước khác thì Việt Nam vẫn chưa đạt chuẩn để chuyển vốn vào, thiếu hụt nguồn nhân công làm công nghệ cao, Việt Nam mới chỉ sẵn sàng làm khâu lắp ráp cuối cùng còn sản phẩm tinh hoa, trung gian khác thì Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng. Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa sẵn sàng có đội ngũ kỹ sư, quản trị hiện đại như các nước phát triển.

Về quy mô doanh nghiệp, Việt Nam còn có nhiều doanh nghiệp cỡ nhỏ, thiếu doanh nghiệp tầm trung để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, các đại gia lớn lại đi theo con đường riêng của họ, chủ yếu hướng vào bất động sản chứ chưa nhiều doanh nghiệp quan tâm, mặn mà làm công nghiệp hỗ trợ. Nói chúng, chúng ta thiếu các nền tảng cho công nghiệp hiện đại.

Mọi người trông chờ vào thời gian tới chúng ta có đột phá hơn trước, bộ máy quản lý hành chính của Việt Nam hơn ai hết phải thấy quý ở cơ hội gắn với thời gian, phải biết là không cơ hội nào chờ mình mà phải tự nắm lấy, đi vào xu thế của thế giới. Năm 2021, kinh tế toàn cầu sẽ còn khó khăn, nhưng đấy là thời gian người ta chuẩn bị tối đa phục hồi nền kinh tế, lúc nào Covid-19 đỡ thì phải bắt tay vào ngay. 

Năm 2020 là năm thế giới bắt đầu xu hướng tái cấu trúc lại nền kinh tế, Việt Nam cũng có thời cơ để tái cấu trúc nhưng vẫn chưa làm gì được, vẫn bỏ qua cơ hội. 

Năm 2021, theo tôi phải đặt cao giải ngân hiệu quả, chất lương đầu tư công, khu vực tư nhân và nâng chất lượng FDI bằng các việc làm, chiến lược cụ thể. Ví dụ, đẩy mạnh đầu tư công bằng việc hướng vào chất lượng, cần loại bỏ bớt các dự án trụ sở, tượng đài, giảm bớt sự tham gia nhà nước, tăng cường PPP.

Khu vực tư nhân thì cần tập trung thúc đẩy hình thành doanh nghiệp tầm trung, chứ không chỉ nên tập trung ưu tiên cho doanh nghiệp cỡ lớn không như hiện nay. 

Năm 2020, chúng ta thấy một loạt doanh nghiệp cỡ trung bán mình cho nước ngoài hay mang vốn ra nước ngoài đầu tư. Họ quyết định ra đi rất nhanh, dù mất công sức 20-30 năm gây dựng tại Việt Nam. Trong khi đó tại Việt Nam, cách thức duy trì sản xuất của nhiều doanh nghiệp lớn vẫn là quan hệ thân hữu, còn lại đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ li ti, nền kinh tế hổng ở giữa.

Thực tế đã cho thấy, khu vực đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đang là ngành kinh tế cao, hướng vào xuất khẩu, chiếm giá trị xuất khẩu lớn, có công nghệ cao hơn và thoát ly khỏi nền kinh tế. Còn khu vực doanh nghiệp Việt vẫn đi theo cách riêng, chưa vào được chuỗi giá trị tăng trưởng của các doanh nghiệp FDI lớn.

Lấy ví dụ ở sự thành công của Hàn Quốc. Cách làm của tổng thống Park Chung Hee đưa đất nước phát triển theo các riêng, họ học hỏi Nhật Bản - Mỹ - Đức và vận dụng để phát triển các doanh nghiệp thân tộc, chứ không mời FDI vào vội mà sau khi doanh nghiệp nội có tiềm lực, họ mới vào để lấy làm đối sánh với nhau.

Hàn Quốc xem những gì tiên tiến nhất ở các nơi, xem nó phù hợp nhất với đất nước thì đem về nên thành ra cái gì Hàn Quốc cũng chọn 3 công ty để làm hình mẫu. Ngành ô tô, Hàn Quốc cũng lập ba công ty lớn, sau đó cạnh tranh nhau thì dần tìm ra được cái gì ưu, nhược điểm của nhau để có thể dung hòa nhau.

Chủ trương quan trọng nhất của ông ấy là học xong về làm lấy, vay thì có thể vay nhưg không đưa nước ngoài vào. Mình yếu, mình nhỏ thì vào họ khống chế hết, khi nào mình đủ trình độ tiếp nhận công nghệ thì mới có lợi cho mình, chứ mình yếu thì họ vào có lợi, họ chèn doanh nghiệp mình không thể lớn được.

Chuyên mục: Góc nhìn
Phạm Chi Lan
Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế

Phạm Chi Lan sinh ngày 14 tháng 1 năm 1945 là một chuyên gia kinh tế nổi bật của Việt Nam. Bà từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *