Góc nhìn 07/02/2021 10:54

Chơi chứng khoán sẽ giàu có?

Niềm tin còn nguy hiểm hơn bong bóng giá bởi vì nếu như ai cũng bị huyễn hoặc rằng mua chứng khoán là sẽ giàu có và và sẽ thắng, thì hậu quả sau đó còn nặng nề hơn.

Ông Quách Mạnh Hào, Chuyên gia về Ngân hàng - Tài chính

Tôi cho rằng chủ trường nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý là nới lỏng tiền tệ thường phát huy tác dụng trong điều kiện thông thường khi thanh khoản trong hệ thống ngân hàng khó khăn dẫn tới chi phí vốn cao không khuyến khích các hoạt động đầu tư vào sản xuất và tiêu dùng.

Khi đó, nới lỏng tiền tệ và lãi suất thấp sẽ giúp giải quyết bài toán này và kích thích cầu tiêu dùng và đầu tư dẫn tới tăng trưởng kinh tế.

Nhưng trong điều kiện nền kinh tế bị gián đoạn bởi dịch bệnh chứ không phải bởi thiếu thanh khoản (thiếu tiền) thì việc áp dụng chính sách tiền tệ nên cần có sự cân nhắc nhiều hơn là rập khuôn sách giáo khoa.

Một sự quá đà sẽ dẫn tới bong bóng tài sản do sự dịch chuyển ngắn hạn của dòng tiền khỏi sản xuất để đi vào các tài sản rủi ro.

Nhiều người lập luận rằng cả thế giới đều làm như vậy và cho rằng đó là bình thường. Tuy nhiên, họ cố tình không nói vế thứ hai là các nền kinh tế trên thế giới cũng có chung một nỗi lo giống như ta, đó là bong bóng tài sản.

Bởi vậy, cùng một cách làm, nhưng mức độ nới lỏng tới đâu lại là điều không giống nhau. Do vậy, cảnh báo rủi ro chính sách không bao giờ là thừa.

Những diễn biến thị trường chứng khoán vừa qua không có nghĩa là bong bóng đã xuất hiện hay đã vỡ, nhưng ít nhất nó phản ánh một thực tế là các nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn và đó là điều tốt cho sự phát triển bền vững của thị trường.

Tôi cho rằng bong bóng niềm tin còn nguy hiểm hơn bong bóng giá bởi vì nếu như ai cũng bị huyễn hoặc rằng mua chứng khoán là sẽ giàu có và và sẽ thắng, thì hậu quả sau đó còn nặng nề hơn.

Song, nguy cơ bong bóng sẽ luôn gắn liền với nới lỏng tiền tệ. Bởi, nới lỏng tiền tệ nhìn chung bao giờ cũng là một yếu tố có lợi cho các thị trường tài sản. Mục tiêu của chính sách tiền tệ là hướng tới sự phát triển ổn định của kinh tế vĩ mô bao gồm tăng trưởng, lạm phát và việc làm.

Ngân hàng trung ương khi thực hiện nới lỏng đều với mong muốn là tiền đến được với sản xuất. Nhưng nới lỏng tiền tệ trong điều kiện nền kinh tế còn yếu do sự gián đoạn cung - cầu thường có nghĩa rằng tiền dư thừa vượt quá công suất sẽ chạy vào thị trường tài sản.

Và thị trường chứng khoán thường sẽ "nhạy" với điều này hơn bởi tính thanh khoản của nó so với thị trường bất động sản. Đó là chưa kể tới nguồn tiền tiết kiệm của người dân dịch chuyển sang đầu tư do tác động của lãi suất tiết kiệm thấp.

Nói như thế để thấy rằng nguy cơ bong bóng luôn gắn liền với sự mở rộng tiền tệ, đặc biệt trong trường hợp mở rộng quá đà và công suất quá thấp.

Trong hoàn cảnh hiện tại, khó để nói như thế nào là quá đà nhưng rõ ràng nền kinh tế không thể hết công suất thông thường. Bởi vậy, chính sách tiền tệ thường có điểm dừng để nhìn xem liệu các mục tiêu kinh tế đặt ra có dịch chuyển theo chiều hướng mong muốn hay là không.

Việc thị trường chứng khoán giảm điểm không phải là một điều xấu đối với nền kinh tế bởi nó đang phản ánh một sự dịch chuyển trở lại của dòng tiền về với sản xuất, nơi đáng ra nó phải ở đó.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *