Góc nhìn 27/02/2021 08:48

Hệ luỵ của "ngăn sông, cấm chợ"

Hiện nay 80 - 90% cà rốt tại Hải Dương đều được xuất khẩu, chỉ có 10% - 20% tiêu thụ nội địa. Nhưng việc "ngăn sông, cấm chợ" như hiện nay đang khiến nông sản không thể xuất đi, gây ra nhiều hệ lụy cho ngành nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Song, Giảng viên cao cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam đã, đang và sẽ mở cửa nền kinh tế, thị trường cho hàng hóa, dịch vụ nói chung và các sản phẩm nông sản nói riêng. Việc mở cửa không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa mà còn đang ngày càng mở rộng ra các thị trường quốc tế khó tính như Châu Âu, Nhật, Úc, Mỹ. Đây không chỉ là thuận lợi làm cho đầu ra của các sản phẩm nông sản ổn định, giá bán cao hơn mà còn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn.

Nông sản là loại sản phẩm có tính thời vụ, hầu hết là tươi sống (nông sản Việt Nam tỉ lệ chế biến sâu chưa cao) nên chi phí bảo quản cao. Chính vì vậy, thời gian bảo quản trong quá trình tiêu thụ rất ngắn, đòi hỏi tính kịp thời.

Sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ là một chuỗi giá trị liên hoàn từ đầu vào cho đến đầu ra thậm chí đến tận người tiêu dùng. Chuỗi giá trị này đòi hỏi phải thông suốt và không ách tắc ở bất cứ công đoạn nào, tác nhân nào trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Do đó, đã chấp nhận kinh tế thị trường thì Chính phủ, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng phải tạo các điều kiện tốt nhất về cơ chế, đặc biệt là làm sao cho các quy luật của thị trường hoạt động tốt nhất mới thúc đẩy nền kinh tế phát triển và hiệu quả.

Hiện nay, vì một số lý do mang tính chất địa phương, mang tính chất cục bộ hoặc không thống nhất trong việc thực thi chính sách của Chính phủ của một số địa phương, một số ngành dẫn tới "ngăn sông, cấm chợ". Đây là các hoạt động phản tác dụng và làm cho các quy luật thị trường hoạt động không hiệu quả, Gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, ngành nông nghiệp nói riêng.

Nếu xét dưới góc độ toàn xã hội sẽ gây tổn thất phúc lợi xã hội, giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Còn xét dưới góc độ ngành sản xuất thì sẽ ảnh hưởng tới các ngành sản xuất trong xã hội không chỉ ngành nông nghiệp.

Trong ngắn hạn, người sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, các công ty, các doanh nghiệp tham gia như là các tác nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sẽ thiệt hại.

Trong dài hạn thị trường các mặt hàng này sẽ thiếu cung, các đầu mối xuất khẩu sẽ giảm do "mất tín", do lỗ và ảnh hưởng tới cán cân thương mại quốc tế không chỉ của riêng ngành nông nghiệp.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *