Góc nhìn 04/01/2019 16:38

Cú bắt tay của nhóm lợi ích, xà xẻo ngân sách

Những dự án BOT vốn ẩn chứa nhiều lợi ích, nhưng lại thiếu sự giám sát của cơ quan quản lý.

LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO

Một ví dụ tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cách đây 2 năm, đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã giám sát đột xuất công tác thu phí tại các trạm thu phí đường bộ trên tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ do Công ty CP Pháp Vân – Cầu Giẽ khai thác và quản lý.

Qua kiểm tra cho thấy, mức doanh thu của tuyến cao tốc này đạt trung bình hơn 1,9 tỷ đồng/ngày, cao hơn khoảng 500 triệu đồng so với báo cáo của Công ty. Trước thông tin gian lận phí lên đến 500 triệu đồng/ngày, nhiều nhà xe thường xuyên đi qua trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ tỏ ra rất bức xúc.

Nhìn nhận một cách tổng quan có thể thấy, phần lớn các dự án đầu tư theo hình thức BOT có vấn đề. Các chủ đầu tư có thể thoải mái khai báo doanh thu, và có nhiều cách để che giấu doanh số thu phí, trốn thuế mà đơn vị phụ trách các trạm thu phí trên cao tốc có thể áp dụng.

Bởi dù áp dụng công nghệ thông tin hay sử dụng phương pháp thủ công, nếu nhiều cá nhân trong chuỗi thu phí, từ nhân viên thu phí đến lãnh đạo công ty cùng "đồng lòng" thì họ vẫn có thể che giấu doanh thu, trốn thuế dễ dàng. Trong khi đó, không hề xuất hiện bóng dáng của bất kỳ cơ quan trung gian nào trong vai trò giám sát.

Đáng lẽ, các cơ quan quản lý Nhà nước phải là đơn vị quản lý, giám sát số doanh thu tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc đầu tư theo hình thức BOT. Ở một số lĩnh vực, nhà đầu tư bỏ ra một khoản chi phí nhằm tạo ra thành phẩm, sau khi đạt được một mức doanh thu, họ mới phải nộp thuế tính trên số tiền chênh lệch. Còn đối với hình thức BOT, họ tư lợi ngay trên số tiền thu phí trực tiếp từ người dân, nếu để tình trạng này kéo dài từ 5 - 7 năm chúng ta mới phát hiện ra, tôi cho rằng không ổn.

Thậm chí, dự án có tổng mức đầu tư là 1.000 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư rất dễ dàng khai khống lên 2.000 tỷ đồng, cơ quan quản lý Nhà nước cũng dễ dàng bỏ qua vì chi phí đầu tư không xuất phát từ ngân sách Nhà nước. Phần lớn là câu chuyện giữa chủ đầu tư dự án và bên cho vay vốn nên họ hoàn toàn có thể bắt tay nhau.

Nếu chủ đầu tư dự án làm ăn chính đáng, thu đúng thì sau 5, 10 hoặc 20 năm sẽ hoàn vốn. Nhưng nếu chủ đầu tư thu phí gấp 1,5 - 2 lần, thậm chí cao hơn thì người dân sẽ là đối tượng thua thiệt nhiều nhất. Khi người dân đi lại bằng phương tiện cá nhân, đi bằng các phương tiện như xe khách hoặc sử dụng hàng hóa đều phải trả một khoản phí qua trạm thu phí. Các chi phí qua các trạm BOT này ở một khía cạnh có thể hiểu là loại thuế gián thu.

Nhưng khác là người dân thay vì nộp thuế cho Nhà nước lại phải bỏ tiền túi ra trả một khoản phí cao hơn mức bình thường cho chủ đầu tư dự án, đây là một hình thức chiếm đoạt gián tiếp. Doanh nghiệp có thể thoải mái chiếm đoạt tiền từ người dân do chế tài xử phạt không rõ ràng.

Ở đây, tôi có thể làm phép so sánh. Nếu người dân đã nộp tiền vào ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp đứng ở giữa, nhận tiền ngân sách rồi chiếm đoạt số tiền này thì cơ quan chức năng rất dễ xử lý. Nhưng trong trường hợp với các dự án BOT, người dân mới nộp tiền mỗi khi qua các trạm thu phí cho doanh nghiệp quản lý trạm, số tiền này chưa nộp về ngân sách Nhà nước. Nếu xử lý doanh nghiệp vì hành vi trốn thuế, chế tài xử phạt sẽ rất nhẹ, khi chủ thể vi phạm có hành vi gian lận một số tiền nhỏ.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *