Góc nhìn 19/12/2018 11:19

Bảo hộ ngược

Ngồi nói chuyện với nhiều doanh nghiệp nội địa trong một ngành kinh tế đang đóng góp 3 tỷ đô la cho GDP. Trong con mắt của những lãnh đạo doanh nghiệp đó là nỗi lo âu khi họ đang phải đứng trước làn sóng đầu tư ồ ạt của các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp này lo sợ rằng, nếu cứ đà này thì chỉ vài năm nữa, tất cả họ sẽ phá sản vì không thể cạnh tranh được với những gã khổng lồ từ nước ngoài.

Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế VCCI

Việt Nam được coi là nền kinh tế mở nhất châu Á, với kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 200% GDP. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đón nhận đầu tư nước ngoài nhiều nhất so với quy mô nền kinh tế, 31 tỷ đô la mỗi năm. Về chính sách, Việt Nam hiện có đến 12 FTAs, với nhiều nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, ASEAN, Úc – New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Mexico… và sắp tới sẽ là EU.

“Đành rằng họ mạnh, đành rằng họ có công nghệ tốt hơn, và chúng tôi sẵn sàng vươn lên để cạnh tranh với họ, nhưng cần có lộ trình, cần cho chúng tôi thời gian.” Một doanh nhân Việt nói.

Với một quốc gia đang phát triển và mở cửa như Việt Nam, việc đưa ra một phác đồ phát triển thích hợp cho từng ngành để tiến tới cạnh tranh được với thế giới không phải dễ. Nếu bảo hộ quá, các doanh nghiệp trong nước sẽ sống trong nhung lụa mà không chịu đổi mới để phát triển. Nhưng nếu mở cửa nhanh quá thì họ sẽ chết trước cơn bão từ hàng hoá, dịch vụ hoặc đầu tư nước ngoài. Đưa ra một lộ trình tốt đã khó, giữ được lộ trình đó để không bị các nhóm lợi ích thao túng bóp méo còn khó hơn.

Việt Nam có chính sách kiểm soát đầu tư nước ngoài để nuôi lớn các doanh nghiệp trong nước không? Có và không. Rất nhiều ngành, trong đàm phán, chúng ta bảo hộ, nhưng cũng nhiều ngành, chúng ta mở toang cửa cho đầu tư nước ngoài. Nhưng điều đáng nói là hình như các lựa chọn bảo hộ cái gì và mở cửa cái gì khi đàm phán lại ít căn cứ trên những chứng lý cụ thể.

Mang câu chuyện đi kể cho một cán bộ ở Bộ KHĐT, anh nói: “Hiện nay đang có tình trạng bảo hộ ngược.” Theo quan sát của cá nhân anh ta, tình trạng các địa phương từ chối dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước diễn ra phổ biến hơn so với từ chối dự án của nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài yếu tố tâm lý “sính ngoại”, thì nó còn cho thấy sự manh mún và thiếu nhất quán trong chính sách cạnh tranh quốc gia. Một cơ chế như vậy thì không thể có động lực tốt (cây gậy và củ cà rốt) để các doanh nghiệp trong nước phát triển.

Còn nhà đầu tư nước ngoài ư? Cách đây không lâu, một chuyên gia đặt câu hỏi: “Nếu Samsung chuyển đi thì bài toán ổn định vĩ mô tính thế nào?” Một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào FDI có thể mang đến sự phát triển nhanh chóng trong vài thập niên, nhưng nếu các FDI đó không có tác động lan toả, thì nền kinh tế đó sẽ rất bất định.

Tình trạng bảo hộ ngược còn diễn ra với rất nhiều các dịch vụ cung cấp trên nền tảng internet. Có vẻ như khi tìm cách xử lý những mặt tiêu cực của internet, các cơ quan nhà nước vẫn giữ thói quen can thiệp bằng giấy phép và kiểm duyệt. Nếu một doanh nghiệp trong nước không tuân thủ, đương nhiên, họ sẽ bị xử lý nặng nề, thậm chí đã có lúc bị đề xuất xử lý hình sự theo Điều 292 Bộ luật Hình sự. Nhưng hiếm khi nào các quy định này động đến được các doanh nghiệp nước ngoài. Vô hình chung, càng có nhiều quy định quản lý, doanh nghiệp Việt Nam càng lụi bại trong cuộc đua với thế giới.

Nhiều người theo chủ nghĩa tự do sẽ nói: Trong một nền kinh tế tự do, không có chỗ cho chủ nghĩa dân tộc. Người ta sẽ quyết định mua bán hàng hoá, sử dụng dịch vụ, quyết định đầu tư dựa trên chất lượng, giá cả và lợi ích kinh tế, chứ chẳng ai quan tâm đến quốc tịch của hàng hoá, dịch vụ.

Nhưng nhìn cái cách mà người Việt từng yêu mến và sau đó quay ra thoá mạ khăn lụa của Khải silk, nhìn những người hào hứng nói về ứng dụng gọi xe Be mới toanh, hay sự quan tâm của dư luận về ô tô, xe máy của Vin,… chúng ta hiểu rằng chủ nghĩa dân tộc vẫn là một lực đẩy lớn trong hành vi của người tiêu dùng và của cả những doanh nhân Việt.

Một tinh thần dân tộc đúng đắn, không cực đoan, và một chính sách kinh tế hợp lý và ổn định là điều rất cần lúc này.

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *