Dòng chảy vốn 04/09/2014 10:31

2 “gọng kìm” của ngành chăn nuôi

Ngành chăn nuôi đang đứng trước hai “gọng kìm”, vừa bị các công ty chăn nuôi lớn của nước ngoài lấn át, một mặt vừa phải đối phó với sản phẩm thịt ngoại

Có thể nói, ngành chăn nuôi trong nước hiện đang đứng trước hai “gọng kìm”, một mặt vừa bị các công ty chăn nuôi lớn của nước ngoài lấn át, một mặt vừa phải đối phó với sản phẩm thịt ngoại giá rẻ tràn vào.
 

Trong một vài năm qua, đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi lợn, gà công nghiệp, quy mô lớn, nhất là của C.P. Điều này đã kéo theo hệ quả là, chăn nuôi nhỏ và vừa của người dân trong nước ngày càng bị yếu thế. 

 

Thịt ngoại đã chiếm 30% thị phần

 

TS Nguyễn Thanh Sơn- Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, trong 5 năm trở lại đây, một số vật nuôi đã phát triển đàn đến ngưỡng và đang có xu thế chậm lại, thậm chí là giảm đàn, nhất là đàn trâu chỉ còn 2,6 triệu con. Trái với xu thế “ảm đảm” của chăn nuôi trong nước, việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi lại có sự sôi động lạ thường.

 

Số liệu mới nhất của Hiệp hội Thịt và vật nuôi Úc (MLA) cho thấy, trong vòng 3 năm qua, số gia súc xuất khẩu từ Úc sang Việt Nam tăng từ 1.500 lên 131.000 con, tăng hơn 8,700%. Còn theo số liệu mới được Cục Chăn nuôi cập nhật, trong 7 tháng đầu năm 2014, tổng lượng trâu, bò thịt sống nhập khẩu về đạt 150.479 con, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2013. Với thị trường thịt đại gia súc, dù chưa mở cửa nhưng các sản phẩm thịt trâu, bò nhập ngoại đã chiếm tới 30% thị phần, sữa chiếm 70% thị phần ở trong nước.

 

Nhiều ý kiến lo ngại cho rằng, trong thời gian tới, khi chúng ta thực thi các hiệp định tự do thương mại, hàng rào thuế quan bảo hộ ngành chăn nuôi bị hạ xuống thì ngành chăn nuôi trong nước có trụ được với các sản phẩm chăn nuôi giá rẻ từ các nước có nền chăn nuôi công nghiệp? Ngoài ra, về năng suất chăn nuôi, TS Nguyễn Thanh Sơn đơn cử: “Đàn lợn ở Đan Mạch chỉ bằng một nửa Việt Nam, nhưng sản lượng họ lại gấp đôi chúng ta. Ngay về khả năng sinh sản, trong khi thế giới họ đang ở ngưỡng 25-28, thậm chí 30 con/lứa thì chúng ta chỉ ở mức 12-14 con/lứa. Với năng suất này, các sản phẩm chăn nuôi của nước ta rất khó đứng vững, cạnh tranh được khi mở cửa thị trường”.

 

Lưu ý đến hộ nhỏ lẻ

 

 

Ông Cao Đức Phát 

   

Có trường hợp gia trại ở Hưng Yên, họ dùng 2-3kg thức ăn thì lợn tăng 1kg. Mô hình nuôi này rất tiên tiến, tương đương với nước Mỹ. Về công nghệ nuôi, nông dân đã có và làm chủ. Vấn đề chúng ta hỗ trợ và nhân ra như thế nào mà thôi.
 

Có thể nói, ngành chăn nuôi trong nước hiện đang đứng trước hai “gọng kìm”, một mặt vừa bị các công ty chăn nuôi lớn của nước ngoài lấn át, một mặt vừa phải đối phó với sản phẩm thịt ngoại giá rẻ tràn vào. Chính điều đó, đã khiến Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát không khỏi trăn trở. “Thách thức về cạnh tranh càng trở nên gay gắt hơn khi đó là công ăn việc làm và thu nhập của đại đa số nông dân nghèo khó, không có nhiều tư liệu sản xuất. Đúng là chúng ta khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp, theo kiểu công nghiệp, nhưng chúng ta phải lưu ý nền chăn nuôi ấy có lợi cho ai? Chúng ta không thể phát triển nền chăn nuôi của các đại gia, còn tiêu diệt hết chăn nuôi của những nông dân nhỏ, người nghèo.

 

Ông Phát cũng tiết lộ thêm, có doanh nghiệp đã đến và đề nghị Bộ ủng hộ xây dựng cụm trại nuôi 30 triệu con gà/năm, bằng 10% đàn gia cầm của nước Việt Nam. Một nhà sản xuất như vậy, chắc chắn với công nghệ, tiềm lực mạnh, họ sẽ “đánh chết” hết các hộ chăn nuôi nhỏ, đánh bại ta. Do đó, theo ông Phát, để giúp người chăn nuôi nhỏ lẻ, chúng ta phải giúp nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, từng bước tiến lên hình thức chăn nuôi gia trại, trang trại có quy mô phù hợp.

Theo Thanh Xuân - Khương Vũ

Danviet

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *