Đời Sống 13/10/2014 08:31

Tiểu hổ: Món nhậu đất Bắc đổ bộ vào Sài Thành

Với dân "nhậu chuyên nghiệp", Sài Gòn có đủ món như dê, bò tơ, thịt chó, cho đến những thứ cao cấp hơn như kỳ nhông, huyết tôm hùm, nhím, cua đinh…

Rồi các món đó cũng trở nên "ngán tận cổ". Gần đây, các "anh hai" thường rủ nhau qua làng hoa Gò Vấp kéo sang hướng quận 12, để nhậu "tiểu hổ".

 

Trăm món nhậu từ mèo

Tôi thực sự ngỡ ngàng vì cả một khu vực, từ đường Nguyễn Oanh, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) sang đường Lê Văn Khương (quận 12), Tô Ký (huyện Hóc Môn)... sao mà nhiều quán thịt mèo thế. Đếm cũng chừng 30 quán, xập xệ, đơn giản. Dũng “viễn thông” - một trong số ít đại gia chuyên lắp cột thu phát sóng cho các tập đoàn viễn thông lớn - nói: “Mang tiếng là dân báo hay “lọ mọ” mà ngố thật. Bao nhiêu quán ngon thế mà chưa biết để… thưởng thức”.

 

Tự thấy xấu hổ vì cái sự… quê kệch, 2 anh em chúng tôi len lét ngồi vào góc, giữa những cái quạt phun hơi nước, giữa những tiếng zdô ầm ầm của đám thanh niên đủ thành phần, lao động làm thuê, công chức cổ cồn, cả những anh doanh nhân bụng phệ tay đầy nhẫn vàng vừa bước xuống từ chiếc Venza mới coóng.

 

mèo, Gò-Vấp, đau-lưng, Quận-12,cổ-cò, dân-nhậu, rượu, thịt-chó, thịt-mèo, tiểu-hổ
 

Hưng - một tay lái taxi - bảo: Chẳng kém các món thịt chó, thịt dê đâu mấy anh. Cũng hấp, nướng, xáo măng, xào lăn, rựa mận, lẩu ngũ vị… Nhưng ăn thịt mèo sạch hơn. Cứ nghĩ mấy con chó chuyên bị đánh bả chết nghẻo, mấy con dê chuyên ăn cám nuôi, thịt nhạt thếch, dân nhậu Sài Gòn cũng kinh.

 

Thế là 1 năm trở lại đây, anh em dần chuyển sang nhậu “tiểu hổ”, vừa thanh cảnh, vừa ngon, mà cái khoản xương khớp đỡ đau nhức, làm miếng thịt mèo tái chanh, cứ như Viagra thiên nhiên ấy… Khoái khi nghe mấy lời tán bốc, chúng tôi làm miếng nướng nóng giãy đầy ăm ắp giềng, sả, chấm với tương chao ăn kèm rau má… Đúng là ngon thật.

 

Trò chuyện với Duyên “voi” - một chủ hàng thu mua mèo trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), chúng tôi biết thêm: Bao giờ giá thịt mèo cũng cao gấp đôi so với “cầy tơ”, thế nhưng người sành điệu chẳng bao giờ so đo. Khách bình dân thì ăn mèo vàng, trung lưu thì ăn mèo tam thể, khá giả thì ăn mèo mướp, còn kẻ lắm tiền thì ăn mèo đen tuyền (mun). Mèo rừng và mèo mun - loại mèo “quý tộc” - được đưa từ miền núi về, giá từ hơn 1 triệu đồng/con (khoảng 2kg).

 

Chủ quán tên Bôn ở đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) rủ rỉ: “Quán em thu mua toàn mèo sạch nuôi từ Lâm Đồng, Đắk Lắk xuống, có hàng quý từ Miên về nên anh yên tâm. Đấy, các bác cứ ra đằng sau xem, cả mấy chục con đang chờ, con to nhất cả chục ký… Sân sau quán, mấy “đồ tể” tay dao tay thớt. Một cậu choai choai nhanh tay chộp con mèo mướp cho vào bao tải, rồi cầm chiếc chày đá nện liên tiếp.

 

Rùng mình với cảnh dã man định bỏ đi thì đã thấy cậu choai bỏ ngay con mèo vào nồi nước sôi lật qua lật lại, cho vào chiếc máy đánh roạt, lúc sau, con mèo trẳng ởn, làm lông tinh tươm đã được chuyển vào bếp.

 

Hướng “cổ cò” - một chủ nhà hàng thịt mèo ở quận Tân Bình - cho biết: Thịt mèo giờ là “số zách”, các đại gia muốn giải đen, xả xui trong những thương vụ làm ăn hay tìm đến quán. Trong các loại mèo, đắt và hiếm nhất là mèo mun, bộ lông càng bóng, càng đen thì càng có giá. Giá của loại này thì… vô biên, có khi chỉ 500.000-600.000 đồng/con, nhưng khi khách đã kết, vài triệu đồng là “bình thường”.

 

Hướng nhanh miệng giới thiệu mấy món “tủ”: “Chúng em có mèo chửa. Giá 1,2 triệu đồng/con. Con mèo chửa được cắt nguyên phần bào thai, nhau thai thả vào bình rượu, các bác uống, bổ từng… bộ phận. Nếu sang hơn thì thịt mèo mun. Dân buôn bán mèo chúng em lâu lắm mới tìm được vài con mun thứ thiệt nên khi đi quán khác, phải cẩn thận. Nhiều quán có chiêu độc, nhuộm mèo mướp thành mèo mun, lấy dầu bóng đánh lông rồi nhốt vào chuồng tối. Khi khách đến chọn, nhìn vào chuồng thấy có mỗi 2 con mắt xanh lè, long lanh, tưởng đúng mèo mun, bỏ cả đống tiền mua, thế là bị lừa…”.

 

Rồi Hướng kể cả: “Quán em có món độc nữa - tiếtmèo. Đa phần mèo sẽ không cắt tiết để giữ cho ngọt thịt. Tuy nhiên, lấy tiết mèo cũng rất kỳ công. Phải có tay nghề cực cao, nếu không nhanh gọn, con mèo quá sợ hãi, mật nó chảy hết, thịt không được thơm ngon, không có mật để hòa rượu uống. Bởi thế, cắt thật nhanh tay, lấy chừng 2-3 ly là dìm nước cho chết ngạt...”.

 

Theo 1 nhân viên phục vụ, quán Hướng “cổ cò” bán 50-80 con mèo/ngày, nên không thể có nhiều mèo ‘sạch” thế. Khi cháy hàng, cả mèo đánh bả, mèo bệnh cũng được lên bàn nhậu hết.

 

Mèo có thực là… đại bổ?

 

Minh - một chủ quán “linh miêu” trên đường Lê Văn Khương gần Công ty bia Tiger - bảo: “Dù quán thịt mèo đua nhau mở, nhưng quán có đông khách hay không lại do công thức chế biến, tẩm ướp gia vị để thịt ngọt, không dai và hôi. Mấy món câu khách chủ yếu là thịt mèo nướng có tác dụng bài độc, trị đau lưng, nhức mỏi, tăng cường sức lực “tối anh uống, sáng chị vừa quét nhà vừa hát dân ca”. Còn mật mèo dùng để ngâm rượu nấu trên 50 độ trị bệnh suy nhược, đau lưng, đau dạ dày..., xương mèo để nấu cao.

 

Dược sĩ Võ Hưng -Trưởng khoa Dược - Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM - cho biết: “Một con hổ to chỉ cho được 2,5kg xương, con to nhất được 5kg, nấu cao cũng không được nhiều. Song cao linh miêu nấu được chừng vài lạng trắng y như mủ caosu vậy, mà cũng có tác dụng không kém cao hổ. Nếu là mèo mun thì người có nhu cầu sẵn sàng bỏ ra từ 1-2 triệu đồng để mua bộ xương 7-8 tuổi còn nguyên của nó. Vì thế gần đây, giới đông y cũng mê mẩn cao linh miêu nhất là “tiểu hổ mun” thuộc hàng đại bổ, dãn cốt, cường gân, nên đang được nhiều khách hàng tìm kiếm với giá từ 800.000 - 1.200.000 đồng/lạng. Đem ngâm với 2 lít rượu ngon, mỗi bữa ăn “thỉnh” một ly, thế là mọi nhức mỏi đều tan biến…

 

A Sáng - tiểu thương ở quận 5 TPHCM - bảo: Sở dĩ con mèo nhẹ nhàng, hiền lành ấy đắt giá do giới dân chơi Sài thành đồn nhau, 1 thành 10, loài mèo tiềm tàng một sức mạnh phi thường trong từng dáng nhảy, bước chạy, tư thế mèo rơi từ trên cao xuống, ẩn chứa một căn cốt thâm hậu, dẻo dai đáng nể.

 

Dân gian cho rằng, nuốt cái nhau con mèo đen sẽ chữa được bệnh hen, nhưng mà khó tìm được lắm bởi mèo đẻ thì thường trốn đi chỗ khác, đẻ xong nó cũng ăn nhau mất tiêu. Cho nên, nếu may mắn có được nhau mèo đen thì đấy là “của trời cho”. Giống mèo đen khó tìm nên nó lại càng quí hiếm hơn. Dân ta còn có cách trị bệnh hen như thế này: Mèo đen cuốn đất sét (cột con mèo cho chặt rồi bao đất sét) đốt cho cháy đen thui cả bên trong thịt mèo, sau đó lấy bột trong đất sét nung ấy mà uống.

 

... Bàn bên, một đám nhậu vừa zdô vừa hò hét: “Rượu mật uống với thịt mèo, ăn vào sẽ thấy… hết nghèo, thành sang…”

 

Theo Laodong

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *