Đời Sống 12/10/2014 14:05

Bộ Văn hóa đi khắp miền Bắc tìm sư tử đá

Sau đợt kiểm tra của Thanh tra Bộ VHTT&DL, 3 cặp sư tử đá tạo hình Trung Quốc đã được di dời khỏi di sản thế giới Tràng An.

Ngày 9/10, 3 cặp sư tử đá tạo hình kiểu Trung Quốc án ngữ ở 3 cổng vào cố đô Hoa Lư (thuộc quần thể danh thắng Tràng An) đã được di dời.

 

"Những cặp sư tử này được phủ bạt, để ở chỗ kín và sẽ đưa về xưởng, chuyển đổi thành nghê đá thuần Việt", ông Nguyễn Cao Tấn, Phó giám đốc Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An cho biết.

 

Như vậy, yêu cầu của UBND tỉnh Ninh Bình trước ngày 12/10 phải di chuyển các hiện vật được đưa vào Khu di tích lịch sử, văn hóa cố đô Hoa Lư trái quy định đã được thực hiện nghiêm chỉnh.

 

Trước đó, ngày 26/9, trong đợt kiểm tra một số di tích trên địa bàn Ninh Bình, đoàn thanh tra Bộ VHTT&DL đã phát hiện sai phạm tại di sản thế giới quần thể danh thắng Tràng An.

 

Cặp sư tử đá tạo hình của Trung Quốc đặt trước cổng vào khu di tích Cố đô Hoa Lư

Cặp sư tử đá tạo hình của Trung Quốc đặt trước cổng vào khu di tích Cố đô Hoa Lư

 

Cụ thể, tại ba cổng vào di tích cố đô Hoa Lư có ba cặp sư tử đá tạo hình theo phong cách Trung Quốc án ngữ. Những cặp sư tử này đã có từ năm 2010, nằm trong dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Tràng An hướng đến đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Tại Hà Nội, những địa điểm mà Bộ VHTT&DL đã tiến hành thanh tra đột xuất ngày 22/8, thì những con sư tử ngoại lai đã được dichuyển đến những địa điểm khác.

 

Tại chùa Gia Quất, sư trụ trì cho biết: “Nhà chùa đã trả lại cho thí chủ cung tiến và thí chủ này đã mang trả lại cho xưởng sản xuất đá”.

 

Tại đình và chùa Mộ Lao, sư tử đá lạ được gom về 1 kho. Địa phương đã và đang liên hệ với người cung tiến để trả lại hiện vật. Đã có người đến nhận. Dự kiến số sư tử còn lại sẽ được trả lại trước ngày 12/9.

 

Tiếp tục chiến dịch dọn dẹp sư tử đá, ngày 24-25/9, Thanh tra Bộ VHTTDL đã chủ trì tiến hành kiểm tra “điểm” tại một số di tích trên địa bàn hai tỉnh Thái Bình, Nam Định.

 

Tại Thái Bình, đoàn thanh tra đã tới bốn điểm di tích: Khu di tích đền Trần, đền Tiên La (huyện Hưng Hà), chùa Vạn Xuân (phường Bồ Xuyên, TP. Thái Bình) và đình Tống Thỏ (xã Đông Mỹ, huyện Đông Hưng). Ngoại trừ đình Tống Thỏ là điểm di tích còn lưu giữ nhiều yếu tốnguyên gốc, không xuất hiện hiện vật lạ thì tại ba di tích còn lại, sư tử, đèn đá, đèn lồng, lục bình... xuất hiện phổ biến.

 

Còn ở Nam Định, ngoài Quần thể di tích Phủ Dầy, đoàn đã kiểm tra tại một số điểm di tích khác ở Nam Định như Đền Gin (xã Nam Dương, Nam Trực), chùa Đại Bi (thị trấn Nam Giang, Nam Trực). Tại cả hai địa chỉ này, hiện vật lạ không phải là câu chuyện nhức nhối. Tuy nhiên, phải lưu tâm là vấn đề về chất lượng công trình được tiến hành tu bổ.

 

Với các hiện vật lạ như đôi đèn đá trước cửa đền, lọ lục bình, đèn Trung Quốc..., chính quyền địa phương và BQL đền “hứa” sẽ có giải pháp phù hợp để đưa ra trong thời gian sớm nhất.

 

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định Nguyễn Công Hiệp cho biết, trong những ngày tới Sở sẽ chỉ đạo BQL Di tích- Danh thắng tỉnh có văn bản khuyến cáo về nội dung này gửi về các cơ sở trên địa bàn. Những hiện vật xa lạ với truyền thống sẽ được nhắc nhở không sử dụng tại các di tích nhằm giữ gìn, phát huy các yếu tố nguyên gốc, thuần Việt.

 

Tuy nhiên, chỉ những nơi nào có đoàn thanh tra đi qua thì mới loại bỏ sư tử đá một cách triệt để, ông Dương Văn Khá - Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết: “Không thể kỳ vọng chỉ trong một sớm một chiều mà dẹp được hết cả. Nên chọn điểm và giải quyết triệt để tại một số địa phương nhức nhối nhất về vấn nạn này tại các khu vực Bắc - Trung - Nam. Sau đó rồi mới nhân rộng".

 

Ông Khá cũng chỉ rõ riêng chuyện “dọn dẹp” đám sư tử đá đã thấy quá khó. Ai là người đưa chúng ra khỏi di tích? Cán bộ, công chức nhà nước? Không được, vì là chuyện nhạy cảm. Những gia đình cung tiến ư? Họ không nghe thì sẽ thế nào? Có lẽ tốt nhất vẫn là phải vận động chính các vị trụ trì, Ban quản lý các di tích tự giác di dời. Nhưng vẫn chưa hết. Di dời thì đưa về đâu? Không lẽ đưa từ chùa A sang chùa B? Sư tử đá cứ chạy vòng quanh từ di tích này sang di tích khác? Lại cần phải tính toán kỹ để có cách xử lý thích hợp.

Theo Thái Linh

Đất Việt

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *