Đời Sống 14/11/2014 12:36

"Xuất khẩu" 91 vạn lao động đi nước ngoài làm việc 10 tháng qua

FICA - Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước QLLĐNN - Bộ LĐTB&XH, 10 tháng đầu năm 2014 cả nước có khoảng 91.143 lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Theo lãnh đạo Cục QLLĐNN, xét về yếu tố giới trong lao động xuất khẩu, lao động nam đi làm việc nước ngoài vẫn chiếm đa số với khoảng 56.900 người, chiếm (65%), còn lao động nữ chiếm 35% với khoảng 34.232 người.

 

 

Về thị trường, lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đang là thị trường lớn nhất khi nơi đây là điểm đến của 53.851 người (chiếm 59% tổng lao động), tiếp đến là Nhật Bản với 16.283 người (chiếm 17,8% tổng số lao động), đứng thứ 3 là Hàn Quốc, 6.662 người, Malaysia 4553 người.

 

Theo lý giải của Cục QLLĐNN, việc lao động Việt Nam luôn gia tăng sang Đài Loan là do chính sách mở cửa rộng của giới chức nơi đây về thủ tục cũng như chi phí. Theo đó, phía Đài Loan tiếp nhận nhiều lao động phổ thông của Việt Nam, lao động mới qua đào tạo và chi phí đã hạ xuống, năm 2013, chi phí lao động đi Đài Loan của 1 lao động đã được hạ xuống mức 4.500 USD (hơn 90 triệu đồng), năm 2014 mức này giảm xuống còn 4.000 USD (hơn 80 triệu đồng). Phía Đài Loan cũng sẽ giảm dần các chi phí này theo từng năm để tạo điều kiện cho người lao động.

 

Theo nhiều doanh nghiệp, do chi phí hạ xuống mức trung bình có thể chấp nhận được nên thu nhập của lao động Việt Nam tại Đài Loan cũng ở mức trung bình từ 10 – 15 triệu đồng. Trong khi đó, mức lương cơ bản vừa được được phía Đài Loan điều chỉnh tháng 7/2014 hiện là 13,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Tại thị trường Nhật Bản, lao động Việt Nam nhập cảnh và làm việc đông thứ hai sau 10 tháng qua. Đây là thị trường khó tính bởi dù mức lương cao nhưng tiêu chuẩn tuyển chọn lao động của Nhật Bản được đánh giá là khá khắt khe. Phía Nhật chỉ nhận lao động có kỹ năng, tay nghề được qua đào tạo bài bản; phía Nhật cũng chỉ ưu tiên “nhập” lao động ở các ngành nghề như: hộ lý, điều dưỡng và công nhân kỹ thuật công nghiệp, kỹ sư… nên tiêu chuẩn khá ngặt nghèo.

 

Mức lương cơ bản của lao động Việt Nam tại Nhật có sự chênh lệch khá lớn, dao động từ 30 triệu – 60 triệu đồng. Các ngành nghề phía Nhật Bản đang mong muốn nhận nhiều là hộ lý, điều dưỡng viên có trình độ và đã được đào tạo bài bản, có mức lương đến 60 triệu đồng. Ngoài ra các ngành nghề như xây dựng, cơ khí, chế tạo điện tử, chế biến thủy sản… cũng có nhu cầu nhưng đối tượng hạn chế bởi trình độ và tay nghề. Thời gian qua, Nhật Bản cũng hợp tác với Việt Nam để đào tạo 3 khóa hộ lý và điều dưỡng viên về nghiệp vụ, kỹ năng, tiếng và kỹ năng sống của xã hội Nhật Bản trước khi sang Nhật Bản làm việc.

 

Tuy nhiên, ngoài hộ lý và điều dưỡng viên có mức lương cao so với mức lương cơ bản ở Nhật Bản là 30 – 40  triệu/người/tháng (tùy vào công việc). Với mức lương này, cộng với chi phí sống, thuế, bảo hiểm, ăn uống rất cao tại Nhật Bản thì người lao động phải chắt bóp chi tiêu, sống chung và tiết giảm chi phí mới đủ tiền gửi về cho gia đình.

 

Sau Đài Loan, Nhật Bản thì Hàn Quốc luôn là 1 trong ba địa điểm lựa chọn làm việc của lao động Việt Nam trong nhiều năm qua. Việc tăng số lao động sang thị trường này do Chính phủ Hàn Quốc đã ký biên bản ghi nhớ đặc biệt giữa Chính phủ Việt Nam về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc EPS (MOU).

 

Theo Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại Giao, năm 2013 Việt Nam nhận được 11 tỷ USD kiều hối của lao động làm việc tại nước ngoài, người Việt đang sống, định cư hoặc làm việc thời vụ tại nước ngoài chuyển về cho người thân tại Việt Nam.

 

Cũng theo cơ quan này, năm 2013 Việt Nam là nước đứng thứ 9 thế giới về kiều hối. Dự kiến, lượng kiều hối của Việt Nam năm 2014 sẽ tăng khoảng 20% so với năm trước và sang năm 2015 khi Việt Nam hội nhập hoàn toàn vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, với thỏa thuận chu chuyển lao động tự do giữa 10 nước quốc gia ASEAN có hiệu lực, chắc chắn số lao động Việt Nam sang các nước sẽ tăng và lượng kiều hối sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *