Đời Sống 14/11/2014 08:52

Tắc đường âm thầm bóp nghẹt nền kinh tế

Năm 2013, tắc đường khiến 4 nước Anh, Pháp, Đức và Mỹ thiệt hại tổng cộng 200 tỷ USD (tương đương 0,8% GDP).


 

Dễ dàng nhận thấy một đặc điểm chung có thể bắt gặp ở nhiều quốc gia trên thế giới là những khuôn mặt chán chường ngồi bất lực trước vô lăng vì bị kẹt cứng trong hàng dài xe cộ không thể nhúc nhích do tắc đường. Từ London tới Los Angeles, từ Berlin tới Bangalore, người dân ở đâu cũng gặp cảnh tắc đường. Nguyên nhân dẫn tới tắc đường khá rõ ràng: tai nạn, cơ sở hạ tầng yếu kém, mật độ xe cộ quá cao trong giờ cao điểm… Nhưng thời gian chờ đợi khi tắc đường tiêu tốn bao nhiêu tiền?

Vì tốc độ xây dựng hệ thống đường giao thông không thể bắt kịp tốc độ gia tăng của số xe ô tô trên đường phố, nên số tiền thiệt hại do tắc đường được dự báo sẽ tăng lên gần 300 tỷ USD vào năm 2030. 2/3 trong số này là kết quả của việc lãng phí năng lượng và thời gian, phần còn lại là do tăng chi phí sản xuất. 

Để tính ra con số chính xác, nhóm nghiên cứu, khảo sát CEBR và Inrix đã tính toán ở 3 khía cạnh: tắc đường ảnh hưởng như thế nào đến năng suất lao động; tăng chi phí đi lại ảnh hưởng như thế nào đến giá cả hàng hóa và thời gian chờ đợi khi phương tiện di chuyển chậm chạp hoặc “chết gí” một chỗ khiến chi phí đi lại tăng lên bao nhiêu? 

Qua khảo sát, mức độ thiệt hại về kinh tế do tình trạng ùn tắc giao thông gây nên ở từng nước khác nhau. Ở London, ùn tắc giao thông có thể gây thiệt hại cho quốc gia này số tiền lên đến 20,5 nghìn tỷ USD (năm 2013). Ước tính con số thiệt hại này sẽ tăng 63% (tương đương 33,4 tỷ USD) vào năm 2030. Chi phí tắc đường đối với một hộ gia đình có sở hữu xe hơi là 2.230 USD (năm 2013).

Trong khi đó, người Mỹ lãng phí 124 tỷ USD do giao thông tắc nghẽn trong 2013 và con số thiệt hại của mỗi gia đình là 1.700 USD. Tuy nhiên, giao thông ở Los Angeles - thành phố có nhiều xe ô tô (4,5 triệu xe ) và có tỷ lệ người lao động đi làm bằng xe ô tô cao nhất (67%) - tệ đến nỗi mỗi công dân ở đây mất tới 6.000 USD/năm vì tắc đường. Đến năm 2030, tổng số thiệt hại của toàn nước Mỹ dự báo sẽ tăng khoảng 50%, lên đến 186 tỷ USD bị phí phạm mỗi năm.

Những chi phí thiệt hại này còn chưa tính đến cái giá phải trả cho lượng khí thải carbon dioxide mà các phương tiện thải ra. Tổng cộng, các phương tiện đã thải ra hơn 15.000 kilo tấn khí CO2 không cần thiết trong năm 2013, điều này đồng nghĩa với việc hàng năm thế giới tốn thêm 350 triệu USD. Giải quyết nạn tắc đường không phải là một việc đơn giản và có thể giải quyết một sớm một chiều. Trên thực tế, kinh tế tăng trưởng GDP đều khiến số lượng xe cộ tăng lên, vì khi người dân tích lũy nhiều hơn, họ sẽ mua nhiều xe hơi hơn và sử dụng nhiều xăng dầu hơn, nhưng kéo theo đó là thiệt hại do nạn tắc đường cũng tăng lên. Theo ông Dominic Jordan, chuyên gia đến từ INRIX, giải pháp hàng đầu vẫn là xây dựng nhiều đường giao thông hơn hoặc mở rộng hệ thống đường sẵn có. Ngoài ra, các hệ thống đường thông minh và xe chạy bằng điện hay năng lượng mặt trời có thể giúp cải thiện tình hình. 

 “Báo cáo này cho thấy quy mô của vấn đề là rất lớn. Bây giờ, chúng ta biết đích xác rằng nạn ùn tắc giao thông sẽ còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc gia và thành phố, các doanh nghiệp và người dân như thế nào” - ông Jon Maron, Phó Chủ tịch INRIX nói.

Theo Quỳnh My

ANTĐ/ Economist/FT/INRIX

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *