Tiêu Dùng 10/07/2014 07:57

Có nên “áp” thuế 10% đối nước nước ngọt có ga không cồn?

FICA - Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt có ga tại Việt Nam (nếu có) sẽ là một trường hợp đầu tiên và cá biệt trên thế giới.

Dự án Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, trong đó có nội dung “áp” 10% thuế đối với nước ngọt có ga không cồn của Bộ Tài chính vẫn đang trong quá trình tham vấn của các bên liên quan.

Tại hội thảo Hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Tiêu thụ Đặc biệt (TTĐB) chủ trì bởi Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, những hạng mục điều chỉnh của Luật sửa đổi tiếp tục được đưa ra thảo luận giữa các bên hữu quan, nhằm tìm kiếm quan điểm thống nhất và hoàn chỉnh trong nội dung của dự luật này. Bên cạnh những hạng mục truyền thống có sự điều chỉnh như rượu, bia, thuốc lá; nước ngọt có ga là hạng mục đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi đây là mặt hàng được sử dụng rộng rãi, lần đầu tiên xuất hiện trong danh mục chịu thuế TTĐB.

Từ kết luận nghiên cứu y khoa

Theo dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt mặt hàng “nước ngọt có ga không cồn” là một trong những mặt hàng được bổ sung vào Dự thảo với thuế suất 10%. Một trong những lý do chính để đưa mặt hàng này vào danh mục chịu thuế, theo lý giải của Bộ Tài chính, nước ngọt có ga có thể gây ra một số bệnh như bệnh béo phì, tiểu đường, sỏi thận, loãng xương, sâu răng, và thậm chí cả ung thư.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo, ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế đã viện dẫn kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế cho thấy không có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào liên quan đến việc tiêu thụ CO2 được ghi nhận trong quá trình nghiên cứu.

Với men răng và xương, ga không có tác động đáng kể lên men răng và hoàn toàn không có tác động gì đến xương. Thậm chí, ga sục trong nước còn có lợi cho hấp thụ can xi và cân bằng can xi nội môi. Với hệ tiêu hóa và hệ tiết niệu, nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng cho thấy ga trong nước giải khát có mối liên hệ tới hai nhóm tình trạng sức khỏe này. Trong khi đó, nghiên cứu cho rằng chưa thể kết luận về tác động của các chất phụ gia tuy một số chất chứa axit phosphoric, cafein có thể ẩn chứa tác động nhất định.

Do đó, chưa thể vội vàng kết luận CO2 và một số chất phụ gia trong nước uống có ga gây tác động tiêu cực tới sức khỏe con người; để có thể đưa ra kết luận chính xác, cần có những nghiên cứu tách bạch về các thành phần trong nước giải khát, có thời gian quan sát và đánh giá lâu dài.

Đến những quan ngại về kinh tế

Trong các hội thảo trước, các chuyên gia, nhóm nghiên cứu kinh tế quan ngại rằng một sắc thuế áp dụng vào một mặt hàng tiêu dùng phổ thông vào thời điểm này là vô cùng rủi ro, bởi nó tiềm ẩn nguy cơ thay đổi sâu sắc cơ cấu tiêu dùng của ngành nước giải khát, dẫn đến những mất mát về doanh thu và sự đảm bảo việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, chi phí quản lý thu thuế và những khoản thâm hụt doanh thu thuế từ các loại thuế khác khiến cho bài toán kinh tế ở đây trở nên thiếu hiệu quả. 

Theo một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM), ngành nước giải khát có tỷ lệ tăng trưởng khoảng 16,7%/năm và đóng góp khoảng 15% vào GDP của đất nước. Do đây là một mặt hàng khá phổ biến trong đời sống hàng ngày đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp, nên những biến động về giá đối với mặt hàng này thường thấp hơn so với mức lạm phát. Cụ thể là trong 5 năm qua mức biến động về giá trung bình của mặt hàng này là 8%, trong khi mức tăng lạm phát trung bình từ năm 2008 đến nay là 12%. Theo các nhà sản xuất, những biến động về giá sẽ có ảnh hưởng đến nhu cầu, doanh thu và sự phát triển của ngành hàng này.

Cụ thể là, theo CIEM, nếu áp dụng 10% thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga, thì nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này có thể giảm 28% và dẫn đến hệ quả là ngành nước giải khát sẽ mất đi khoảng 851 tỷ đồng doanh thu mỗi năm, trong khi các ngành phụ trợ có liên quan khác sẽ bị thiệt hại khoảng 235 tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Ngoài ra, doanh thu từ thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với mặt hàng này sẽ giảm khoảng 117 tỷ đồng và doanh thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) sẽ giảm khoảng 106 tỷ đồng.  Nếu cộng các con số thất thu này và so với 369 tỷ đồng có thể thu được từ thuế TTĐB thì có thể thấy rằng việc áp dụng thuế TTĐB không những không mang lại hiệu quả cho ngân sách như mong muốn mà còn ảnh hưởng đến doanh thu và sự phát triển của các ngành công nghiệp có liên quan.

Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Đứng về khía cạnh các chuyên gia về luật, luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch VFAM, Uỷ viên BCH Hội Luật gia Hà Nội cho rằng, khẳng định tại hội thảo rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB là cần thiết, tuy nhiên bổ sung nước ngọt có ga không cồn cần phải chứng minh được rằng sử dụng ở mức bình thường cũng có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, không xét đến việc sử dụng quá mức, bởi “bất kỳ sản phẩm nào nếu sử dụng quá mức đều có hại, và luật thuế không có chức năng điều tiết mức sử dụng hàng hóa dịch vụ của con người”.

GS. TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vốn Đầu tư Nước ngoài nhấn mạnh việc xác định danh mục hàng hoá chịu và không chịu thuế TTĐB còn mang tính áp đặt, thiếu sức thuyết phục. Việc áp thuế nước ngọt có ga cần dựa trên cơ sở y tế khoa học. Ngoài ra, cần phải xác định rõ tiêu chí xác định hàng hoá, dịch vụ thuộc diện “tiêu thụ đặc biệt” để làm căn cứ xác định đối tượng chịu thuế, đảm bảo sự khách quan, minh bạch trong quản lý thuế.

Luật sư Sesto Vecchi, đại diện Phòng Thương mại Hoa kỳ (AmCham) chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và những tác động tiềm ẩn tới môi trường đầu tư trong nước. Theo đó, việc áp thuế TTĐB lên nước ngọt có ga tại Việt Nam là một trường hợp đầu tiên và cá biệt trên thế giới.

Khôi Bùi

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *