Doanh nghiệp 16/04/2018 18:56

Sau một năm kinh doanh “bầm dập”, Vinasun đặt mục tiêu “thụt lùi”

Kết thúc năm 2017 với kết quả kinh doanh sụt giảm thê thảm, Vinasun lên quyết tâm và kế hoạch tỉ mỉ cho năm 2018. Thế nhưng, mục tiêu doanh thu, lợi nhuận của hãng này lại chỉ dám dè dặt ở mức… bằng một nửa của năm 2017.

Tại tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, lãnh đạo Vinasun “trải lòng” với cổ đông rằng, trong năm ngoái, công ty này đã nỗ lực tối đa trong việc bảo vệ thị phần của mình và kiên trì đấu tranh về mặt pháp lý nhằm đảm bảo sự công bằng trong các điều kiện kinh doanh vận tải taxi.

Bên cạnh đó, Vinasun cũng gặp nhiều thách thức trong hoạt động kinh doanh như doanh thu bình quân sụt giảm, thu nhập lái xe giảm sút, số lái xe nghỉ việc gia tăng cùng với đó là việc phát sinh rất nhiều các khoản phí, sự tăng giá của vật tư thay thế và chi phí khác như lương cơ bản, giá xăng dầu.

Cụ thể, trong năm 2017, giá xăng thay đổi 19 lần, 6 tháng đầu năm giảm 1.090 đồng/lít, 6 tháng cuối năm tăng 2.080 đồng/lít làm cho giá xăng cả năm tăng 900 đồng/lít, tương ứng 5,63% so với đầu năm. Vinasun cũng chịu phí đường bộ 2,16 triệu đồng/xe/năm; lương tối thiểu tăng 6,12% làm cho phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng…

vinasun
Vinasun cho rằng thách thức lớn nhất của doanh nghiệp này gặp phải là cạnh tranh với mô hình kinh doanh của Grab

“Thách thức nghiêm trọng nhất vẫn là việc tham gia bất hợp pháp vào thị trường taxi với các chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh của các công ty nước ngoài bằng cách lợi dụng kẽ hở của các quy định hiện hành để kinh doanh taxi với số lượng gần 30.000 chiếc tại TPHCM, gấp 5 lần xe taxi Vinasun, hạ giá và nâng giá một cách phi lý, dùng tiền để hỗ trợ, bù lỗ cho chủ xe và lái xe (có công ty chấp nhận lỗ gần 1.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có 20 tỷ đồng) và không thực hiện đầy đủ về các nghĩa vụ thuế…” – lãnh đạo Vinasun giãi bày.

Theo đại diện Vinasun, kết quả hoạt động kinh doanh năm 2017 đã phản ánh rõ nét những khó khăn và nỗ lực của hãng taxi này. Tổng doanh thu kinh doanh đạt 2.937 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2016 và chỉ đạt 73% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 189,18 tỷ đồng, giảm 39,15% so với năm 2016 và chỉ đạt 92,37% kế hoạch đặt ra.

Lý giải cho tình trạng doanh thu giảm, Vinasun cho biết, nguyên nhân đến từ việc hãng này chuyển qua mô hình nhượng quyền.

Đến cuối năm 2017, tổng số xe của hãng này là 5.835 chiếc, giảm 11,1% so với đầu năm. Riêng số xe công ty mẹ đã thanh lý lên tới 1.193 chiếc, trong khi chỉ đầu tư thêm 370 chiếc. Tổng tài sản của Vinasun đến cuối năm 2017 đã giảm 11,52% so với cuối năm 2016, còn 2.816,25 tỷ đồng.

Về kế hoạch năm 2018, hãng này cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp taxi cả nước kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải xếp loại hình kinh doanh của các công ty nước ngoài vào loại hình kinh doanh taxi trong khi vẫn cho rằng, hoạt động của 30.000 xe taxi của các đối thủ này là “mang tính chất tận diệt” ngành.

Đưa ra nhiều quyết tâm, song mục tiêu kinh doanh của Vinasun cho năm 2018 lại rất dè dặt, chỉ bằng nửa so với thực hiện của năm 2017. Cụ thể, tổng doanh thu chỉ hướng tới 2.160 tỷ đồng (bằng 67% năm 2017), lợi nhuận trước thuế 119 tỷ đồng (bằng 48,6%); tổng lợi nhuận sau thuế 95,2 tỷ đồng (bằng 50,2%).

Kế hoạch này dựa trên giá cước bình quân vào khoảng 15.887 đồng/km và sẽ được điều chỉnh theo tình hình thực tế.

Bích Diệp

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *