Doanh nghiệp 15/01/2014 10:33

"Doanh nghiệp da, giày, túi xách thưởng Tết ít nhất nhất 1 tháng lương"

FICA - Đây là thông tin được Chủ tịch hiệp hội da, giày, túi xách Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thuấn chia sẻ tại lễ tổng kết toàn ngành ngành hôm qua.

Theo số liệu được công bố tại hội nghị tổng kết của Hiệp hội da, giày, túi xách Việt Nam, năm 2013, xuất khẩu da giày, túi xách Việt Nam đạt 10,32 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2012, vượt 3% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, va ly túi xách đạt 1,92 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2012; giày dép đạt 8,4 tỷ USD tăng 15% so với năm 2012.

Ngành công nghiệp da, giày, túi xách chiếm tỷ lệ 11% nhóm hàng công nghiệp chế biến và 7,7% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Thặng dư thương mại toàn ngành năm 2013 đạt 6,6 tỷ USD.
 
Dẫn đầu thị trường xuất khẩu của ngành vẫn là thị trường Mỹ với tổng kim ngạch 3,5 tỷ USD, chiếm 33,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Tiếp theo là thị trường EU, đạt 3,4 tỷ USD chiếm 33.1%. Các nước có kim ngạch nhập khẩu giày dép túi xách lớn từ Việt Nam như Anh, Đức, Nhật, Bỉ, Canada, Chile, Trung Quốc, Hàn Quốc… vẫn duy trì tỉ lệ tăng trưởng tốt.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, thu nhập bình quân người lao động toàn ngành năm 2013 tăng 15%, đạt mức 5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, thu nhập của lao động học nghề là trên 3 triệu đồng/người/tháng và lao động lâu năm trên 10 triệu đồng/người/tháng. "Các doanh nghiệp thưởng Tết ít nhất 1 tháng lương", ông Thuấn cho biết.

Ông Thuấn cũng cho biết thêm là các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 4/2014. Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Đức Thuấn tự tin đặt mục tiêu xuất khẩu cho ngành năm 2014 đạt 12 tỷ USD.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, thời gian vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo trong đàm phán các hiệp định tự do thương mại (FTA) gần đây, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chú trọng vào những lợi thế cho ngành dệt may, da giày. Đây là 2 ngành này sử dụng lao động rất lớn (dệt may sử dụng khoảng 2,6 triệu lao động và da giày sử dụng khoảng 1 triệu lao động) và chiếm được lợi thế trong TPP và 6 hiệp định FTA đang đàm phán.

Ngoài ra, Thứ trưởng Thoa cũng cho biết hiện các doanh nghiệp mới chiếm 55% thị phần giày dép trong nước trong khi tăng trưởng của thị trường này cũng rất cao. "Tôi cũng hy vọng trong những năm tới ngành của chúng ta sẽ có sự phát triển mạnh mẽ hơn và vượt trội với doanh thu cao hơn. Ít có ngành nào có sự thành công lớn như vậy, cơ hội không có nhiều, liên tục mãi mãi mà cơ hội chỉ theo giai đoạn, thời điểm nên cần cố gắng chớp thời cơ”, Thứ trưởng Thoa nói.

Đây cũng là nhận định của các doanh nghiệp về tình hình thị trường năm 2014. Theo đó, bên cạnh những mặt thuận lợi như giày dép được hưởng ưu đãi thuế quan của EU từ năm 2014, TPP và rất nhiều FTA khác đang được Bộ Công Thương đàm phán và sắp đi vào hiệu lực, ngành da giày Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn như quy tắc xuất xứ, các rào cản về kỹ thuật, yêu cầu thị trường ngày càng cao về chất lượng và thẩm mỹ, vẫn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường Trung Quốc.


Thục Anh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *