Quốc tế 15/01/2014 09:44

World Bank: Kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn bước ngoặt

FICA - Việc nới lỏng chính sách thắt lưng buộc bụng ở các nền kinh tế phát triển góp phần thúc đẩy kinh tế của họ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung, World Bank nhận định.

Ngân hàng thế giới (World Bank) vừa ra báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, theo đó, kinh tế toàn cầu năm 2014 được dự báo tăng trưởng 3,2%, cao hơn so với dự báo 3% đưa ra hồi tháng 6 năm ngoái, và cao hơn so với mức 2,4% năm 2013. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 được dự báo đạt 3,4%. Theo ngân hàng này, kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn bước ngoặt 5 năm sau khủng hoảng tài chính nhờ sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển.


Các nước phát triển được dự báo tăng trưởng 2,2% trong năm nay, cao hơn so với dự báo trước là 2%, chủ yếu nhờ kinh tế khu vực đồng euro (eurozone) hồi phục và kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh gấp 2 lần Nhật Bản.


Tuy nhiên, tăng trưởng của các thị trường đang phát triển bị hạ xuống 5,3% từ 5,6%. Kinh tế Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng 7,7%, thấp hơn dự báo trước là 8%. Tuy nhiên theo World Bank nền kinh tế lớn thứ 2 này tăng trưởng chậm nhưng bền vững hơn.

Tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển chỉ nhích nhẹ trong giai đoạn năm 2013 đến 2016, thấp hơn 2,2 % so với mức trước khủng hoảng, báo cáo nhận định. Báo cáo cũng nhấn mạnh, đà tăng trưởng kinh tế chậm lại này không đáng lo ngại bởi hơn 2/3 trong số đó là do yếu tố chu kỳ tăng trưởng kinh tế.

                                                                                                 Nguồn: World Bank.


Cũng theo báo cáo của World Bank, thương mại toàn cầu có thể tăng gần gấp đôi so với năm 2012 trong khi đó việc giảm dần kích thích của Mỹ có thể khiến lãi suất thị trường tăng, ảnh hưởng đến các nước nghèo khi nhà đầu tư trở lại với các tài sản đầu tư như trái phiếu chính phủ Mỹ.


 “Sự tăng trưởng của các nước có thu nhập cao đánh dấu sự chuyển biến đáng kể so với những năm gần đây khi các nước đang phát triển là động lực duy nhất kéo kinh tế toàn cầu đi lên. Nhu cầu nhập khẩu từ các nước giàu có nhất sẽ giúp bù đắp lại ảnh hưởng bởi tình trạng thắt chặt tài chính toàn cầu khi các nước có thu nhập cao bình thường hóa chính sách tiền tệ của họ trở lại”, World Bank nhận định.


Theo ngân hàng này, nếu thời gian tới nhà đầu tư cũng phản ứng đột ngột như hồi tháng 5 khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu giảm nới lỏng tiền tệ thì dòng vốn vào các nước đang phát triển sẽ lại giảm. Andrew Burns, người đứng đầu nhóm tác giả của bản báo cáo cho rằng, đến nay, việc rút dần chính sách nới lỏng định lượng khá êm xuôi. Nhưng nếu lãi suất tăng quá nhanh, dòng vốn vào các nước đang phát triển có thể giảm tới 50% hoặc hơn nữa trong vài tháng tới và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng ở một số nền kinh tế”.


World Bank ước tính, nhà đầu tư đã rút tổng cộng 64 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư tương hỗ nhắm đến các nước đang phát triển trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8/2013. Các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Trung Quốc và Mexico ít bị ảnh hưởng hơn.


Phương Linh
Theo Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *