Chứng Khoán 25/12/2014 06:58

Túi tiền vơi đầy theo những 'cơn sóng' tỷ USD

Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến một năm nhiều biến động, có lúc thăng hoa, giúp túi tiền đại gia căng phồng, nhưng cũng có những cơn sóng bất ngờ 'quét' đi hàng tỷ USD của các nhà đầu tư.

Những phen thụt két tỷ đô

 

Ít nhà đầu tư có thể nghĩ rằng, TTCK tập trung của Việt Nam sẽ đánh mất gần như toàn bộ thành quả có được trong gần 3 tháng đầy kỳ vọng đầu năm.

 

Những ngày cuối cùng của năm 2014, các chỉ số VN-Index đang nỗ lực lấy lại điểm số sau “cú giảm giá dầu”. Tuy nhiên, ngưỡng 600 điểm vẫn còn quá xa vời và còn xa hơn nữa đối với đỉnh cao 640 điểm ghi nhận hồi đầu tháng 9.

 

Như vậy, so với năm khá yên ả 2013, năm 2014 có lẽ sẽ kết thúc với nhiều sắc thái khác nhau. Sự xuống sắc bất ngờ của TTCK có lẽ bởi hàng loạt biến động mà giới đầu tư cũng như nhiều tổ chức không dự đoán trước được.

 

Không kể đến những đợt chốt lời khi VN-Index lên trên 600 điểm hồi cuối tháng 3. Biến động đầu tiên là phiên xử bầu Kiên hồi giữa tháng 4 khiến chứng khoán đỏ sàn. Chỉ số VN-Index nhanh chóng rời xa ngưỡng này.

 

chứng-khoán, cổ-phiếu, thị-trường, 2014, 2015, cú-sốc, bầu-Kiên, Thông-tư-36, dầu-khí, giá-dốc, cú-sốc-dầu-khí, TTCK, dự-báo, VN-Inex, HNX-Index

Hiện tượng rơi tự do, liên tục phá đáy của nhóm các cổ phiếu dầu khí - những cổ phiếu có vốn hóa rất lớn - đã tạo nên nỗi sợ hãi lan tỏa trên khắp thị trường.

 

Biến động đángkể nữa khá thời sự khi liên quan đến sự kiện biển Đông hồi tháng 5, đỉnh điểm là ngày 8/5. Gần như toàn bộ cổ phiếu chủ chốt trên hai sàn TP.HCM và Hà Nội giảm sàn, với dư mua trống trơn khiến VN-Index mất 34 điểm (-6,1%), còn HNX-Index mất 6,6% trong phiên giao dịch cuối giờ sáng. Tính riêng phiên giao dịch này, TTCK bốc hơi hơn 3 tỷ USD. Tổng cộng đợt sóng gió này NĐT mất gần 5 tỷ USD.

 

Trong 6 tuần mất điểm tính tới giữa tháng 5, TTCK đã mất đi cả chục tỷ USD theo thị giá, trở thành một trong những thị trường giảm điểm lớn nhất thế giới trong những tháng đầu quý II/2014.

 

Biến động “giảm giá dầu” trong tháng 12/2014 đến sau, khi thị trường đã bị thử thách bởi Thông tư 36, khiến giới đầu tư lo lắng bán ra bằng mọi giá. VN-Index rớt một mạch từ 600 điểm về dưới 520 điểm, cho dù ban đầu, nhiều dự báo cho thấy, giá dầu giảm sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam. Tốc độ giảm giá mạnh của giá dầu thô, từ mức 115 USD/thùng hồi giữa tháng 6, xuống tới 60 USD/thùng gần đây khiến nhiều người lo ngại. Hiện tượng liên tục phá đáy của nhóm các cổ phiếu dầu khí - những cổ phiếu có vốn hóa rất lớn đã ảnh ảnh hưởng đáng kể trên thị trường chung.

 

Có lẽ, chỉ cần thêm một phiên giảm điểm nữa thì thị trường sẽ về mốc 508 điểm khó quên hồi tháng 5.

 

Có thể thấy, nếu như 2013 khá yên ắng với những biến động nhỏ thì 2014 lại là năm của những cơn sóng lớn đầy bất ngờ.

 

Nếu 2012, biến động chứng khoán gắn liền với tên tuổi của một số đại gia, như Nguyễn Đức Kiên hay Đặng Văn Thành. Còn năm nay, thì chứng khoán gắn liền những vấn đề thời sự lớn, thậm chí cả các vấn đề quốc tế, mà tác động của nó tới Việt Nam.

 

Vẫn là một kênh hấp dẫn

 

Sau “Thông tư 36” và biến động “dầu khí”, TTCK đang nỗ lực tăng điểm trở lại. Nhiều cổ phiếu blue-chips cũng như các cổ phiếu trong các lĩnh vực được đánh giá có triển vọng sáng đang tăng trở lại. VN-Index đã lấy lại được mốc 540 điểm. Tuy nhiên, so với mốc 505 điểm hồi đầu năm, mức tăng được cho là quá khiêm tốn.

 

chứng-khoán, cổ-phiếu, thị-trường, 2014, 2015, cú-sốc, bầu-Kiên, Thông-tư-36, dầu-khí, giá-dốc, cú-sốc-dầu-khí, TTCK, dự-báo, VN-Inex, HNX-Index

VN-Index đã lấy lại được mốc 540 điểm. Tuy nhiên, so với mốc 505 điểm hồi đầu năm, mức tăng được cho là quá khiêm tốn.

 

Khá nhiều tổ chức nước ngoài và các CTCK đánh giá, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh thị trường vàng trầm lắng, BĐS chưa mấy khởi sắc, tỷ giá được giữ ổn định và mặt bằng lãi suất đang thấp dần, với trần huy động chỉ còn 5,5%/năm.

 

Các dự báo được đưa ra dựa trên những nhận định tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015.

 

Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, trong năm 2015, Việt Nam sẽ hưởng lợi khi kinh tế toàn cầu hồi phục. Còn theo ANZ, giá dầu thấp là yếu tố tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam.

 

Một số quỹ đầu tư ngoại nhìn nhận, Việt Nam sẽ chứng kiến tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng tăng trong năm 2015 nhờ vào sự hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế giới, nhờ vào hiệp ước xuất nhập khẩu như TPP, Việt Nam - EU, AEC...

 

Hầu hết các kênh đầu tư truyền thống khác không hấp dẫn, thì chứng khoán rõ ràng là một lựa chọn không tồi - các tổ chức nước ngoài nhận định.

 

Định hướng tiếp tục mở rộng tín dụng (dự kiến 13-15%) để tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh mà NHNN vừa đưa ra chiều 23/12 cũng là một tín hiệu tốt cho TTCK.

 

Mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay giảm 1,5-2% trong năm 2014 cùng với chủ trương hỗ trợ tăng trưởng kinh tế... khiến nhiều người nghĩ tới viễn cảnh dòng tiền sẽ chảy mạnh hơn vào chứng khoán trong năm tới.

 

Bên cạnh đó, diễn biến giảm sâu của cổ phiếu trong các cú sốc gần đây cũng khiến TTCK đang thu hút sự trở lại của nhiều NĐT, cho dù tâm lý thận trọng và rụt rè vẫn bao phủ.

 

Thực tế cho thấy, lực bắt đáy trong các phiên giảm mạnh gần đây không thực sự lớn. Điều này có thể được giải thích là bởi kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu hơn, trong khi kinh tế thế giới 2015 khó dự báo. Bên cạnh đó, nguồn cung hàng tại Việt Nam còn tăng mạnh trong thời gian tới. Đây là yếu tố tích cực về dài hạn, song về ngắn hạn lại khiến thị trường khó bứt phá.

Theo Mạnh Hà

Vietnamnet

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *